Lợi nhuận cao “ngất ngưởng” từ cây sa pô
Thời gian gần đây, nhà vườn trồng sa pô (hồng xiêm) ở tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì giá sa pô đang tăng từng ngày và đạt mức kỷ lục trong 2 năm trở lại đây. Hiện nay, sa pô loại 1 được các thương lái vào tận vườn thu mua với giá 18.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước và tăng gấp 10 lần so với năm 2010. Với mức giá này, bình quân mỗi hecta sa pô đem lại lợi nhuận cho nông dân trên 300 triệu đồng/năm.
Những ngày này đi vào những vùng trồng cây sa pô tại các xã Kim Sơn, Long Hưng, Phú Phong,… thuộc huyện Châu Thành, chúng ta có thể thấy được không khí hết sức phấn khởi của bà con nơi đây. Ông Trương Văn Hai, xã Kim Sơn đang coi thương lái thu hoạch vườn sa pô gần 5.000 m2 của mình phấn khởi cho biết: “Đợt này giá sa pô được các thương lái thu mua rất cao, tới 18.000 đồng/kg đối với sa pô loại 1 (da bóng, tròn đều, trọng lượng trên 250 gram/trái); sa pô loại 2 cũng có giá 12.000-13.000 đồng/kg. Tính ra, giá sa pô cao hơn gấp 10 lần so thời điểm nhà vườn phải chặt bỏ sa pô hàng loạt do giá rẻ như bèo vào cuối năm 2009 đầu năm 2010”.
Nhiều nông dân trồng sa pô cho biết, nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất nên hiện nay sa pô không những cho trái quanh năm mà còn đạt năng suất cao hơn 15% so với những năm trước. Hiện mỗi hecta sa pô khoảng 5 năm tuổi cho năng suất trên 30 tấn/năm. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, nông dân còn lãi trên 300 triệu đồng.
Bà Trần Thị Mỹ Hồng, chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, thương lái chuyên thu mua trái cây trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dự đoán, giá bán sa pô sẽ tiếp tục đứng ở mức cao từ nay cho đến hết mùa nắng, vì thời điểm này hầu hết các loại trái cây khác đều hết mùa.
Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (địa phương có diện tích trồng sa pô lớn nhất của tỉnh Tiền Giang) cho biết, hai năm trở lại đây cây sa pô đã lấy lại vị thế của mình sau thời gian dài sa pô rớt giá thảm hại trong những năm trước do diện tích trồng loại cây này tăng nhanh khiến cung vượt cầu. Cây sa pô có đặc điểm cho trái đều quanh năm, không tập trung thành mùa vụ như đối với các loại cây khác nên tránh được tình trạng đụng hàng rớt giá.
Mặt khác, đối với người tiêu dùng, sa pô cũng dễ chấp nhận hơn so với các loại trái cây khác, bởi giá sa pô thường chỉ dao động ở mức trên dưới 10 ngàn đồng/kg nhưng loại trái cây này có màu sắc đẹp, mùi vị thơm ngon, tỷ lệ sử dụng thịt trái cao, trái lớn (khoảng 300 gram/trái). Trước tình hình này, ông Hòa khẳng định cây sa pô sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Vừa qua, sa pô Mặc Bắc – Kim Sơn, huyện Châu Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa độc quyền. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để sa pô Mặc Bắc – Kim Sơn được tiêu thụ ở các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối với giá bán khá cao. Trước những kết quả đạt được, huyện Châu Thành đã có kế hoạch phát triển thêm 400 hecta sa pô, nâng tổng diện tích trồng sa pô trên địa bàn huyện lên lên 2.000 hecta vào cuối năm 2012 và từng bước thực hiện quy trình sản xuất sa pô Mặc Bắc theo chuẩn VietGAP.
Thiết nghĩ, việc phát triển diện tích cây sapo nhằm phát huy những lợi thế của loại cây trồng này, góp phần phát triển kinh tế nông thôn là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, bà con nông dân không nên ồ ạt đua nhau trồng cây sapo dẫn đến tình trạng dội chợ rớt giá, phải đốn bỏ hàng loạt như trong thời gian trước đây. Bên cạnh đó, để duy trì hiệu quả cây sapo, rất cần những quy hoạch và biện pháp quản lý quy hoạch cụ thể của các cơ quan chức năng trong đó xét đến sự tương quan giữa nhiều yếu tố, đặc biệt là tính đến sức mua của thị trường.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.