Long lanh từ quên lãng
Một bộ sách đồ sộ (Lưu Trọng Lư - Tác phẩm - truyện ngắn - tiểu thuyết) và một tập thơ dày dặn (Bài ca tự tình - những bài thơ chưa công bố) vừa được in và giới thiệu nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Lưu Trọng Lư - một trong những người “thơ” nhất của phong trào Thơ Mới theo nhận xét của Hoài Thanh.
Tập thơ và hai tập tác phẩm của Lưu Trọng Lư - Ảnh: Th.H. |
Những tưởng với một “cố nhân” như Lưu Trọng Lư, những tập sách như thế này chỉ là một dịp tổng kết, là món quà kỷ niệm, không còn gì mới, không có gì có thể “lạ” từ nhà thơ mà ta tưởng đã biết hết về thân thế và tác phẩm. Nhưng thật bất ngờ, tên tuổi và tài năng tưởng đã được “định vị” trong quá khứ ấy đột ngột trở lại, long lanh và mới lạ ngoài sức tưởng tượng, cả trong văn xuôi và trong thơ.
Văn đẹp như thơ
Hai tập Tác phẩm… giới thiệu rất hệ thống các sáng tác văn xuôi của Lưu Trọng Lư với 32 truyện ngắn và 29 tiểu thuyết (mà ông thường gọi là đoản thiên). Nhà thơ Lưu Trọng Văn, con trai Lưu Trọng Lư, còn bày tỏ sự ngạc nhiên: “Trong nhà, anh em chúng tôi vẫn thuộc thơ cha, vẫn đi xem sân khấu có vở diễn của cha, nhưng sách báo lưu trữ trước 1945 không có nhiều, nên không tưởng tượng nổi cha viết nhiều, đa dạng và còn nhiều tác phẩm đứng lại được với thời gian như thế”.
Gia đình Lưu Trọng Lư cũng dành sự tri ân với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và nhà sưu tầm sách Hoàng Minh đã bỏ công sức hàng chục năm trời sưu tầm, bổ cứu và hệ thống di cảo đồ sộ của cha mình, từ tác phẩm được công bố lần đầu tiên Người Sơn nhân năm 1933, những truyện nổi tiếng như Khói lam chiều, đến những tiểu thuyết mà thậm chí gia đình cũng không hề biết ông đã viết và được đăng tải trên báo chí cách đây 60-70 năm: Em bé hái dâu, Gió cây trút lá, Chiêm Thành, Cái chết hiếu danh…
Ấn tượng khi đọc sưu tập văn xuôi của một nhà thơ vốn được coi là tiêu biểu của dòng thơ lãng mạn đó là ông viết văn xuôi với bút lực dồi dào, mạnh mẽ nhưng cũng vẫn đậm đà chất thơ, và cấu tứ rất chắc, dù đoản thiên hay tiểu thuyết thật sự. Có rất nhiều tiểu thuyết đoản thiên của Lưu Trọng Lư đọc lại giờ này vẫn thấy những rung cảm sâu sắc của người đương thời, bất chấp sự ngân nga cổ điển của hơi văn và những từ ngữ thoạt nghe có vẻ sáo mòn kiểu thơ mới.
Những câu chuyện tình đẹp và buồn, từ man mác, bàng bạc đến đau đớn, chua chát đủ cung bậc trong những áng văn của Lưu Trọng Lư đủ sức hấp dẫn bạn đọc hiện đại, vì vẻ đẹp trong sáng của văn chương cũng như tâm hồn nhân vật, và cũng còn vì nó được lồng trong những chi tiết nhẩn nha mà khá đắt về phong tục, tập quán, phong cảnh, ngôn ngữ… của một thời - thời mà văn chương Việt mới ở tuổi hoa niên của việc viết bằng chữ quốc ngữ.
Và thơ nặng lòng đất nước
Không còn những hình tượng thơ lãng mạn thuở “con nai vàng ngơ ngác”, cũng vắng bóng những bài thơ tình thuần túy lứa đôi, Bài ca tự tình, tập thơ rút tỉa từ những khúc tự - tình - công - dân của Lưu Trọng Lư chưa từng công bố từ sau ngày hòa bình 1975 đến ngày ông mất (1991), mang đến một chân dung Lưu Trọng Lư khác, trong một chiều kích khác:
Giặc còn đầy ngoài biên ải
Đó đây nổi dậy âm binh
Những tên giặc trong mình
Không gươm không mác
Đêm đen ngọn đèn thổi phụt
Vườn hoang múa gậy tung hoành
Sợi dây oan nghiệt trói lương tri vào một duộc
Tối thượng đồng tiền rắn độc
Lúc nhúc ngõ ngách hoàng hôn
(Bài ca tự tình)
Và nỗi lòng một con dân Việt năm 1979 mơ về Ức Trai:
Người sợ đưa nhanh nhát chổi
làm bóng hoa tan
Nhưng khi xô một tảng núi bạo tàn
Ức Trai! Người không biết sợ
Thà chịu một vừng trăng đổ vỡ
Để đổi lấy một mặt trời đại nghĩa giữa hành tinh
Ai yêu như người, cái lẽ hiếu sinh
Một giọt nắng thanh bình
Trên đầu ngọn lúa.
(Gửi Ức Trai)
Trong Bài ca tự tình có nhiều trường ca, từ Gửi Bằng Lăng với cái tên chính thức Từ vách này thời gian ta gõ mà lâu nay công chúng mới chỉ biết đến qua một đoạn rất ngắn trong bài hát nổi tiếng Cung đàn mùa xuân của nhạc sĩ Cao Việt Bách, đến Bầy nhện và nhà thơ… Những trường ca cho thấy nội lực bất ngờ của một nhà thơ lâu nay chỉ được định hình như một nhà thơ lãng mạn và một kịch tác gia (theo đánh giá của Từ điển văn học Việt Nam). Nó đồng thời cho thấy những ảnh hưởng của triết học và những tác động của thế sự đến nhận thức về thiên chức của thơ và nhà thơ với một “người thơ” lúc nào cũng trên mây trên gió, đến độ quên cả tên con như Lưu Trọng Lư.
Đúng 20 năm sau ngày mất, trong dịp sinh nhật 100 tuổi, Lưu Trọng Lư còn tặng cho đời những món quà tinh thần long lanh quý giá đến thế, mới thấm thía câu nói tưởng cũ xưa vô cùng: “Chẳng có gì giá trị thật sự mà bị lãng quên”.
Sau lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Trọng Lư (1911-1991) diễn ra tại Hà Nội ngày 15-6 do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, vào 8g30 ngày 17-6 tại TP.HCM, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu sẽ cùng có mặt tại White Palace (Q.Phú Nhuận) để đọc thơ, nghe thơ và đàm luận về thơ Lưu Trọng Lư. Tại lễ kỷ niệm, các văn nghệ sĩ sẽ đón nhận tập thơ lần đầu tiên công bố của Lưu Trọng Lư cùng bộ sách 1.500 trang văn xuôi của ông. Dịp này, Câu lạc bộ sưu tầm sách TP.HCM sẽ giới thiệu những cuốn sách, bản in từ trước năm 1945 của Lưu Trọng Lư. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.