Các địa phương đang cấp bách triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng cứu người dân ra khỏi vùng xung yếu, trũng thấp; tập trung tìm kiếm nạn nhân còn mất tích do lũ cuốn và sạt lở đất đá; cấp phát lương thực, nước uống cho người dân bị cô lập.
Nước mắt bên dòng sông Bồ
Sáng 6-11, tất cả các luồng bè nuôi cá trên sông Bồ đoạn chảy qua địa bàn xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế đều đã chết sạch, thiệt hại mỗi hộ ước tính lên tới cả trăm triệu đồng. Tần ngẩn nhìn lũ cá chết chen nhau ngửa bụng trắng phếu, ông Lê Quang Huyễn (xã Quảng Phú) rớm nước mắt nói: “Gần 5 tấn cá đều chết sạch, tiền đầu tư cá giống, thức ăn, giờ coi như đổ sông hết rồi. Biết lấy gì mà trả nợ!”.
Đối diện xã Quảng Phú, bên kia sông Bồ là thị xã Hương Trà. Người dân ở đây cũng lâm vào tình cảnh điêu đứng vì cá nuôi lồng chết. Ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, cho biết, toàn thị xã đã có khoảng 120 tấn cá nuôi lồng trên sông Bồ bị cuốn trôi hoặc nổ mắt chết trắng. Hiện Phòng Kinh tế thị xã đang phối hợp với các địa phương thống kê thiệt hại để tổ chức hỗ trợ người nuôi cá sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục khôi phục sản xuất sau lũ.
Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đang tìm kiếm nạn nhân mất tích Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Tối cùng ngày, mưa đã giảm và lũ trên sông Hương, sông Bồ rút xuống xấp xỉ báo động 2, nhưng hàng ngàn ngôi nhà vẫn bị nước lũ chia cắt. Tại km897+ 600+650+800 đèo Hải Vân, sạt lở 70 khối đất đá. Trên địa bàn huyện miền núi A Lưới, sạt lở núi tiếp tục gây chia cắt tuyến QL 49A và khu vực đèo A Co. Do khối lượng đất đá và cây đổ xuống quá lớn nên việc khắc phục hết sức khó khăn.
Tại Quảng Trị, lũ trên sông Đakrông dâng cao, chảy xiết khiến hệ thống cầu tạm dẫn qua khu tái định cư thôn Húc Nghì, huyện Đakrông bị nước cuốn trôi, khiến 102 hộ dân bị cô lập và hàng trăm học sinh mầm non, tiểu học phải nghỉ học.
Chìm trong “biển lũ”, nhiều nơi bị cô lập
Trong khi lũ trên hầu hết các sông miền Trung đang rút chậm thì mực nước trên sông Cẩm Lệ (Đà Nẵng) trong ngày 6-11 dâng cao do lượng nước chảy qua các cửa xả của 2 hồ thủy điện Sông Bung 4 và Đắk Mi 4 lớn. Tình trạng ngập lụt ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ diễn biến nghiêm trọng. Số hộ dân bị ngập sâu trong lũ tăng lên hơn 5.000 hộ. Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong (Hòa Vang), cho biết: Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong việc di dời dân là nước lũ chảy rất mạnh, trong khi người lái đò giỏi tìm không ra. Nếu có sơ sẩy gì thì hậu quả rất nghiêm trọng. Xã đang đề nghị huyện điều tàu hoặc ca nô chuyên dụng để đưa dân đi tránh lũ. Trong khi đó, hơn 20 hộ dân ở khu vực Cồn Dầu (quận Cẩm Lệ) bị ngập sâu từ 1-2m cũng đã được di dời đến những công trình chống lũ trên địa bàn.
Mưa lớn trong nhiều ngày liền khiến các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, An Lão của tỉnh Bình Định bị ngập nặng, nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Mực nước lũ ở địa bàn đang lên báo động 3. Tại huyện Hoài Nhơn đã có 10 công trình bị sạt lở và nước cuốn trôi. Trong ngày 6-11, toàn huyện đã có thêm 800 nhà dân bị ngập nước; 272 hộ dân phải di dời khẩn cấp để tránh lũ; còn 4 người vẫn đang mất tích. Địa phương đang triển khai các lực lượng để chốt trực thường xuyên ở vùng trọng điểm để hỗ trợ, cung cấp lương thực cần thiết cho người dân”. Trong khi đó, trên địa bàn huyện An Lão còn khoảng 1.045 hộ dân trong vùng ngập sâu; cầu huyết mạch vào xã An Liên bị lũ cuốn sập.
Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, trong số 10 tàu bị chìm, các lực lượng đã cứu được 84 người; 6 người tử vong và còn 9 người mất tích. Ngoài ra, toàn tỉnh Bình Định còn có 5 người chết, 5 người mất tích; 144 nhà sập, 770 nhà hư hỏng, tốc mái, 14.486 nhà ngập lụt, 4.250 giếng bị ngập; 55 xã bị ảnh hưởng mất điện, thiệt hại ước tính 3,369 tỷ đồng. Hiện tỉnh huy động thêm lực lượng để phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tìm kiếm, cứu vớt người mất tích trên biển.
Tại thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), triều cường dữ dội với ngọn sóng cao từ 10-15m đánh sập hàng chục ngôi nhà và hàng trăm ngôi nhà khác đang bị đe dọa. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Đồn Biên phòng Tuy Hòa, Công an TP Tuy Hòa, Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh cùng công an, dân quân và người dân ở địa phương được huy động dùng bao cát để ngăn triều cường.
Thống kê của cơ quan chức năng sau bão số 12, toàn tỉnh Phú Yên đã có 1 người chết, 5 người mất tích và 4 người bị thương, 100 tàu thuyền bị sóng nhận chìm, trôi dạt ra khơi; hơn 1.000 lồng nuôi trồng thủy, hải sản ở Tuy An, Đông Hòa và thị xã Sông Cầu bị bão đánh chìm và cuốn trôi; hơn 1.000 nhà dân bị tốc mái hư hỏng đang được khắc phục để ổn định cuộc sống; hơn 17.000ha mía của người dân bị bão đánh bổ, ngập úng; toàn tỉnh Phú Yên hiện đang mất điện hoàn toàn. Trong ngày 6-11, chính quyền địa phương tỉnh Phú Yên vẫn đang nỗ lực giúp người dân khắc phục lại hậu quả sau bão số 12 để ổn định cuộc sống.
Xuất hiện vùng áp thấp mới, Trung Bộ tiếp tục có mưa to diện rộng
Vào lúc 3 giờ 30 ngày 7-11, ở khu vực vịnh Thái Lan xuất hiện một vùng áp thấp có vị trí vào khoảng 8,2-9,2 độ vĩ Bắc, 101,5-102,5 độ kinh Đông. Trung bộ tiếp tục có mưa to trên diện rộng, lũ khẩn cấp trên các sông Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo trong 24 giờ tới vùng áp thấp này di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 1 giờ ngày 8-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 100,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 đến 50 km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp sau có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên ở khu vực biển Cà Mau-Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh; vùng biển phía Tây vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2-3m; biển động.
Trung bộ tiếp tục có mưa to trên diện rộng trong 2 ngày tới
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam (bao gồm đảo Lý Sơn) do ảnh hưởng của không khí lạnh nên tiếp tục có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2-3m. Khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, đêm có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động.
Diễn biến mưa lũ trên các sông ở Trung Bộ, lúc 1 giờ sáng nay 7-11, lũ trên sông Vệ (Quảng Ngãi) đã đạt đỉnh và đang xuống, đỉnh lũ tại trạm Sông Vệ là 5,93m, trên báo động 3: 1,43m, dưới mức lũ lịch sử năm 2013: 0,1m. Hiện mực nước sông Đăkbla (Kon Tum) lên đỉnh là 519,50m, ở mức BĐ2, sau xuống.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông từ ngày 7-11 đến hết ngày 8-11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, tiếp tục có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa rất to. Lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng tiếp tục xảy ra ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Từ ngày 9-11 mưa ở các tỉnh miền Trung sẽ giảm dần.
Ngày 9-11 mới có thể thông tuyến đường sắt Bắc – Nam
Ngày 6-11, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đường sắt Bắc – Nam qua các tỉnh miền Trung đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão số 12 và lũ lớn, khiến thời gian khắc phục kéo dài, dự kiến đến 9-11 mới có thể thông toàn tuyến.
Tổn thất nặng nhất tại Km1226+780 khu gian Hảo Sơn – Đại Lãnh, đường ray bị sụt trượt nặng taluy âm về phía biển, khiến xói đá nền đường, treo ray, không thể chạy tàu.
Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung hàng trăm nhân lực, thiết bị khẩn trương thi công 3 ca để khắc phục sự cố. Ít nhất 3 ngày nữa mới có thể trả đường để thông tuyến với tốc độ 5km/giờ. Riêng các đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động bị hỏng, không hoạt động, dự kiến được khôi phục hoàn toàn ngày 8-11.
Trong thời gian chờ thông tuyến, ngành đường sắt tiếp tục tổ chức chuyển tải hành khách giữa hai ga Hảo Sơn (Phú Yên) và Đại Lãnh (Khánh Hòa), đồng thời tạm bãi bỏ một số mác tàu.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.