Lũ sắp tràn bờ đê
Liên tục hai ngày 26 và 27-9, nước lũ đã dâng cao gần 30cm làm tất cả các tuyến đê bảo vệ lúa và hoa màu ở đồng bằng sông Cửu Long bị uy hiếp dữ dội.
Lực lượng thanh niên ở xã Đa Phước, huyện An Phú (An Giang) gia cố tỉnh lộ 957 - Ảnh: Đức Vịnh |
Ngày 27-9, trên tuyến đê ở xã An Bình B, xã Tân Hội (thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cả ngàn con người hì hục đào đắp, đóng cừ vào chân đê với hi vọng giữ được con đê. Lãnh đạo thị xã Hồng Ngự cho biết thứ cần thiết nhất lúc này là cừ tràm đã hết sạch. Nếu không có cừ tràm hay bạch đàn đóng xuống chân đê thì khả năng giữ được đê là rất khó.
Đốn sạch cây để chống lũ
Tất cả những người dân trong vùng đã đốn sạch tràm, bạch đàn của gia đình đóng xuống chân đê nhưng vẫn không đủ. Ông Nguyễn Hùng Tráng, phó chủ tịch UBND thị xã Hồng Ngự, cho biết: “Chúng tôi đã cho người tỏa sang huyện Tháp Mười và Mộc Hóa (Long An) tìm được 1.800 cây bạch đàn nhưng cũng không thấm vào đâu. Chính quyền địa phương phải áp dụng tình trạng khẩn cấp trưng dụng, trưng thu cây cối trong nhà dân để đưa ra giữ đê. Tuy nhiên dự báo những ngày tới sẽ vô cùng khó khăn”.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết các tuyến đê bao bảo vệ 2.600ha lúa ở xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 1 cũng đang trong tình trạng khan hiếm vật liệu hộ đê. Trong huyện đã có 2.000 cây cọc bạch đàn của người dân hiến tặng và được trưng dụng. “Khó khăn nhất lúc này là mưa lũ liên tục nên nền đất ngày càng yếu, nhiều đoạn đê xuất hiện tình trạng đất nhão nên đóng bao nhiêu cây cừ tràm xuống cũng biệt tăm. Với tình hình này thì vài ngày nữa thôi đê sẽ khó mà giữ” - ông Hưng lo lắng.
Nước lũ làm sụp mố cầu tạm Trà Đư (phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự) sáng 27-9 - Ảnh: Thanh Tú |
Lũ lên quá nhanh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đã cho phép trưng dụng vật liệu, phương tiện chống lũ của người dân. Hiện mực nước nội đồng ngày 27-9 đã dâng cao thêm 13-17cm và còn tiếp tục tăng nữa nên nguy cơ vỡ đê là rất lớn.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện còn khoảng 26.000ha lúa chưa thu hoạch nằm trong các tuyến đê đang bị uy hiếp. Việc giữ được toàn bộ diện tích này thật sự là bài toán khó khi nước lũ dâng với tốc độ quá nhanh như hiện nay. Cũng sáng 27-9, nước lũ đã làm sụp mố cầu tạm Trà Đư trên đường tỉnh 841 thuộc phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự khiến giao thông từ thị xã Hồng Ngự về huyện Hồng Ngự bị gián đoạn. Hiện chỉ còn xe gắn máy có thể lưu thông qua cầu nhưng rất nguy hiểm vì một phần mặt cầu đã nằm dưới nước lũ.
Tại Long An, ngày 26-9, một đoạn đê ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng bị vỡ khiến gần 100ha lúa đang giai đoạn chín phải thu hoạch sớm. Đến ngày 27-9 nước lũ tiếp tục lên nhanh khiến rất nhiều đường giao thông ở huyện này bị ngập.
Ở An Giang, nước lũ tiếp tục tràn qua một số tuyến đê uy hiếp vùng sản xuất vụ thu đông ở xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú. Đây là điểm nóng với 5.300ha lúa nguy cơ bị lũ đe dọa nghiêm trọng, nên trong ngày gần 1.000 chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, sư đoàn B330… tiếp tục có mặt tại đây dùng bao cát gia cố hơn 20km đê.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, dự báo trong 2-3 ngày tới mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm dần. Đến ngày 1-10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,9m, trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,25m. Tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên sẽ đạt đỉnh lũ đợt này vào ngày 28 và 29-9 trên mức báo động 3 từ 0,2-0,4m, sau đó xuống dần theo kỳ triều thấp. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.