Luật Báo chí cần có “tuổi thọ dài” trước xu thế phát triển

Việc xây dựng, sửa đổi Luật Báo chí cần cố gắng tránh luật “khung”, luật “ống” nhưng phải đảm bảo luật giữ được tương đối ổn định, có “tuổi thọ dài” trước xu thế phát triển công nghệ hiện nay mà báo chí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu yêu cầu tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí tổ chức tại Hà Nội sáng 12/11.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sửa Luật Báo chí phải tạo điều kiện cho báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện, hoạch định các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí 1999, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định báo chí đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu, là một trong những kênh truyền thông quan trọng của đời sống xã hội, là công cụ phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Qua hơn 15 năm thi hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tuy nhiên, hoạt động báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, bất cập như: Chất lượng chưa tương xứng, chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung; có xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ của báo chí.

Lãnh đạo một số cơ quan báo chí còn buông lỏng công tác quản lý, quy trình biên tập, duyệt bài, thông tin sai nhiều nhưng không cải chính; có trường hợp vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, thậm chí vi phạm pháp luật.

Báo cáo của Bộ thông tin và Truyền thông cũng nhắc lại hiện tượng những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí ngày càng gia tăng, chủ yếu đối với báo điện tử, báo hình. Một số báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn. Không ít cơ quan chủ quản chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, dẫn đến buông lỏng, nể nang, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm đối với báo thuộc quyền.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam thời gian qua không chỉ về số lượng, loại hình, đội ngũ người làm báo mà còn đưa được thông tin đến mọi đối tượng, mọi vùng miền cũng như phản ánh mọi mặt của đời sống. Từ đó, góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của nhân dân, giúp hoạch định chính sách sát với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển luôn có những bất cập cần phải tổng kết, đánh giá để khắc phục.

Những người hoạt động, công tác trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt các tổng biên tập cần đào sâu suy nghĩ,  với tất cả tinh thần trách nhiệm để nhìn nhận thẳng thắn điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục và bình tĩnh khi xử lý những bất cập trong hoạt động thực tiễn.

Quá trình này cần đảm bảo nguyên tắc báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện, hoạch định các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, bảo vệ đất nước; để nhân dân, thông qua báo chí, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ.

Điểm lại sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các loại hình báo chí, nhất là báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yếu tố công nghệ đang giữ vai trò thúc đẩy quan trọng đối với hướng phát triển của báo chí, truyền thông.

“Vấn đề này được đặt ra trong luật về báo chí như thế nào, đến đâu, ở các luật khác ở mức độ nào, cần phải rất đồng bộ. Việc xây dựng, sửa đổi Luật Báo chí cần cố gắng tránh luật “khung”, luật “ống” nhưng phải đảm bảo luật giữ được tương đối ổn định, có tuổi thọ dài trước xu thế phát triển công nghệ hiện nay mà báo chí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngay trong quá trình soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi),  Bộ Thông tin và Truyền thông cần huy động sự tham gia  của những người làm báo đóng góp ý kiến kịp thời và đúng mực, đặc biệt là những vấn đề nóng đang được quan tâm.

“Có nhiều điểm trong luật, nghị định, thông tư, chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đảng về báo chí đã nói rất kỹ, vì vậy, các bộ ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân cần phải xem công tác thực hiện thực tế đến đâu. Từ đó chủ động cung cấp thông tin cho báo chí đến tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân thông qua báo chí. Thái độ ứng xử nghiêm túc, đúng mực với các hành vi chưa đúng quy định pháp luật của cơ quan báo chí, hoặc chưa đến mức vi phạm pháp luật nhưng không có lợi”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Bộ TT&TT sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến,, tham luận tại hội nghị để phục vụ cho quá trình soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Ảnh; VGP/Đình Nam

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng thời tổng kết các vấn đề bất cập; kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi của Luật Báo chí hiện hành.

Theo ông Nguyễn Bắc Son, đây là căn cứ quan trọng để Bộ Thông tin và Truyền thông quán triệt khi chủ trì soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Nguồn Chính phủ