Lực đẩy phát triển vùng đất Chín Rồng

Năm 2000, hàng triệu người dân vùng sông nước Cửu Long vỡ òa khi cầu Mỹ Thuận (cây cầu dây văng đầu tiên ở miền Tây) được xây dựng, nỗi khổ “qua sông phải luỵ phà” dần được giải phóng.

23 năm sau, niềm vui, hạnh phúc của bà con vùng đồng bằng như được nhân đôi khi cầu Mỹ Thuận 2, đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được khánh thành, rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đi Cần Thơ còn khoảng 2 giờ.
y7c-9624.jpg
Đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Từ sáng sớm, đông đảo người dân ở các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã tập trung về địa điểm tổ chức lễ khánh thành đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long) để chứng kiến sự kiện đặc biệt quan trọng này. “Vậy là chỉ mất khoảng 2 giờ có thể di chuyển từ Cần Thơ đến TPHCM, điều mà trước đây không ai dám nghĩ đến. Năm nay, coi như chúng tôi ăn tết sớm”, ông Lê Mạnh Tình (Cần Thơ) phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Hạt Ngọc Việt chia sẻ, “nút thắt” lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp ở ĐBSCL lâu nay là giao thông. “Có Cầu Mỹ Thuận 2, có đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn, thuận lợi hơn, doanh nghiệp chúng tôi như tiếp thêm nguồn lực lớn để hoạt động. Hai công trình trọng điểm trên cũng sẽ là lực đẩy quan trọng để vùng đất Chín Rồng “cất cánh”, ông Tuấn tin tưởng.

Chung niềm tin, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, nhận định, cầu Mỹ Thuận 2 và đường cao tốc TPHCM – Cần Thơ sẽ là động lực rất lớn để thúc đẩy mối liên kết, hợp tác, phát triển liên vùng giữa TPHCM, Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Tính đến cuối năm 2023, tại ĐBSCL, Bộ GTVT và các địa phương đã đưa vào khai thác tổng chiều dài gần 200km cao tốc, gồm các đoạn, tuyến: Bến Lức – Trung Lương 40km, Trung Lương – Mỹ Thuận 51km, Mỹ Thuận – Cần Thơ 23km, Cao Lãnh – Lộ Tẻ 29km, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi 51km. Ngoài ra, trong vùng ĐBSCL hiện còn có các đường cao tốc đang được khẩn trương thi công, như: đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ – Cà Mau (hơn 110km); đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (hơn 188km); đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (gần 27,5km).

Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2026, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 540km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Đây là nền tảng quan trọng, giúp tăng khả liên kết giữa các tỉnh thành trong nội vùng, cũng như giữa vùng ĐBSCL với các vùng trong cả nước, nhất là TPHCM và Đông Nam bộ.

Nguồn SGGP