Lương thực và sự công bằng cho nông dân
Người nông dân vất vả lắm mới làm ra được hạt gạo nhưng lại hưởng mức lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo.
Ngay cả nước ta, khi an ninh lương thực được đảm bảo và dư thừa xuất khẩu thì vẫn còn không ít những hộ dân thiếu đói. Và chưa thực sự công bằng khi những nông dân trực tiếp trồng cấy- người đảm nhiệm vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia lại đang ở trong nhóm những người nghèo nhất.
Thành ngữ ta có câu: “Có thực mới vực được đạo”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của cái ăn, của lương thực hết sức lớn trong cuộc sống con người. Muốn làm được những việc đạo nghĩa, những điều to tát, thiêng liêng thì trước hết phải có cái ăn, có lương thực. Rồi việc “tích cốc phòng cơ” cho đến câu chuyện về “Hũ gạo kháng chiến” thời chống Pháp theo sáng kiến của Bác Hồ đều hết sức đề cao vấn đề lương thực, coi đó là một trong những yếu tố quyết định làm nên chiến thắng.
Trong chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cần có những quan tâm, ưu đãi hơn cho những người nông dân (Ảnh: nhanong.com.vn) |
Vì thế, lương thực được đặt lên thành vấn đề an ninh của quốc gia, dân tộc, là vấn đề sống còn của xã hội. Ở nước ta cũng như mỗi quốc gia trên thế giới đều hết sức coi trọng vấn đề này, làm sao đảm bảo được đầy đủ lương thực thực phẩm cho nhân dân nước mình.
Thế nhưng, hiện nay, vấn đề an ninh lương thực cũng đang là một thách thức không nhỏ khi dân số ngày một tăng cao. Đất đai, đồng ruộng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ngày một cằn cỗi và thu hẹp.
Mặc dù nhiều nước đã tự túc được lương thực, thậm chí là dư thừa, nhưng trên thế giới hiện vẫn có khoảng 870 triệu người sống trong tình trạng đói thường nhật, và hàng chục nghìn người chết vì đói mỗi năm. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên khi vào năm 2050 tổng dân số toàn cầu sẽ lên đến 9 tỷ người.
Và không nói đâu xa, ngay ở nước mình, vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên hay miền Trung vẫn có nhiều người dân không còn gì để ăn mùa giáp hạt. Xót xa hơn khi nước ta lại là một nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới! Bà con ở không ít bản làng Tây Bắc chỉ có cơm ăn vài ba tháng, còn ăn mèm mém, sắn quanh năm; trẻ em phải mang ngô, mang khoai đến trường phòng đói rét.
Vẫn biết an ninh lương thực là vấn đề quan trọng của quốc gia, và nông dân chính là lực lượng chính đảm nhiệm vai trò này. Thế nhưng, hàng triệu nông dân cày sâu cuốc bẫm, vất vả làm ra lương thực, của cải cho đất nước lại chưa được đáp đền xứng đáng.
Theo điều tra mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn và tổ chức Oxfam- một tổ chức Phát triển nông nghiệp uy tín của Austraylia, những người trực tiếp trồng lúa hiện đa phần là những hộ nghèo, thu nhập chỉ trên 500.000 đồng/người/tháng. Họ đảm nhiệm phần việc lớn nhất, vất vả nhất nhưng lại hưởng mức lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo.
Không phải không có lý khi có chuyên gia cho rằng, chúng ta đừng nên quá bận tâm với vị trí thứ nhất hay nhì trong xuất khẩu gạo mà nên dành sự quan tâm đến chính sách dài hạn của phát triển và lợi ích lâu dài của nông dân. Vị trí nhất hay nhì chưa chắc mang lại sự giàu có, sung túc mà đó có thể là một cái bẫy với nhiều ảo tưởng và mang lại nhiều rủi ro khi giá gạo mỗi lúc một giảm, thương hiệu gạo thì không có, mà đời sống nông dân bấp bênh hơn.
Nông dân vẫn thiếu đói và nghèo, điều đó dường như không công bằng với những người đang gánh trên vai trọng trách nuôi sống xã hội, đảm bảo an ninh lương thực cho nước nhà. Vì thế, trong chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, không chỉ giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, mà cần có những quan tâm, ưu đãi hơn cho những người nông dân, để họ sống khá giả trên mảnh vườn thửa ruộng và yên tâm thực hiện trọng trách của mình./.
Hương Lan/vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.