Mãi vang âm sắc núi Ngự, sông Hương
Ca Huế vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thông tin này làm nức lòng người yêu nghệ thuật nước nhà với loại hình diễn xướng đặc sắc mà “Ở đấy, văn chương, âm nhạc hòa quyện làm một, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng mà tinh tế, dân gian mà bác học”. Nhưng cùng với niềm vui được tôn vinh vẫn còn đó nỗi lo làm sao để ca Huế được phổ biến rộng rãi mà vẫn vẹn nguyên bản sắc; để đào tạo được lớp nghệ sĩ trẻ kế tục; để gìn giữ cho muôn đời sau…
Tinh hoa ca Huế
Ca Huế có hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển trên mảnh đất Thuận Hóa – Phú Xuân (Thừa Thiên – Huế hiện nay). Trong cái nôi của vùng văn hóa Huế vốn rất đặc thù, ca Huế là thú chơi tao nhã của các văn nhân tài tử. Mấy năm gần đây, ca Huế đã và đang trở thành một phần quan trọng trong chuỗi sản phẩm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Không chỉ trên sông Hương, mà ca Huế còn được trình diễn trong các bảo tàng, khách sạn, nhà hàng. Âm sắc ca Huế, cùng với sông Hương, núi Ngự Bình, là những biểu tượng không chỉ thơ mộng, mà còn đầy chất nhân văn của đất cố đô.
Mang nét đặc trưng riêng một địa phương, nhưng ca Huế có giá trị văn hóa ở tầm quốc gia, đậm đà bản sắc Việt. Âm nhạc ca Huế độc đáo bởi được thu nạp từ cả tinh hoa nhạc cung đình và tinh hoa của nhiều làn điệu hò, điệu lý dân dã ở các vùng miền. Ông Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế cho biết, ca Huế từng có thời phát triển rực rỡ về mặt chất lượng nghệ thuật, với nhiều danh cầm, như: Lê Văn Cần (đàn tỳ bà), Nguyễn Văn Tân (đàn nhị), NSƯT Thái Hùng (đàn nguyệt), Châu Thới (đàn tranh) và những danh ca, như: Minh Tâm, Thanh Tâm, Kim Thành, Quỳnh Hoa, Minh Mẫn, Thanh Hương, Diệu Liên… Xem biểu diễn ca Huế là một sự sang trọng, tao nhã, và người nghệ sĩ cũng rất được trọng vọng. CLB ca Huế không những biểu diễn phục vụ công chúng tại địa phương mà còn lưu diễn ở nhiều nơi trong nước và ra nước ngoài.
Việc đưa ca Huế xuống sông Hương biểu diễn cũng là ý tưởng của CLB ca Huế vào khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Song đáng tiếc là hiện nay ca Huế trên sông Hương ít nhiều bị “thương mại hóa”. Nghệ nhân Thanh Tâm, giảng viên lớp Tài năng Học viện âm nhạc Huế cho biết: “Khách xem ca Huế trên sông Hương chủ yếu vì tò mò, vì ham vui, xem như một món “mỳ ăn liền”. Khách không hiểu về ca Huế, thậm chí còn nhầm lẫn ca Huế với lý, hò, vè…, hoặc các bài hát hiện đại về Huế, tất dẫn đến việc biểu diễn cũng có khi lai tạp, tạm bợ. Mặt khác, tuy những người biểu diễn ca Huế trên sông Hương đều đã qua đào tạo nhưng phần lớn chưa đạt tới được trình độ như lớp người đi trước”.
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế cho biết, sau khi tiến hành mở các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, thẩm định và cấp phép hành nghề, hiện nay trên địa bàn có hơn 400 nghệ sĩ, nhạc công đủ tiêu chuẩn tham gia biểu diễn ca Huế. Tuy nhiên, trong số đó, không nhiều người có thể thật sự chạm đến đỉnh cao của nghệ thuật ca Huế, biết nắm bắt và truyền đạt các kỹ năng cũng như cảm xúc. Trên thực tế, những người có tài và khả năng dạy truyền khẩu lại cho các thế hệ sau đang ngày càng mai một. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên tại các trường và ca sĩ bán chuyên hát ca Huế không tránh khỏi suy nghĩ là học hát cho thuộc, cho hay một vài làn điệu cơ bản là đủ đi diễn. Hệ quả tất yếu là một thế hệ nhạc công, ca sĩ nắm vững kiến thức đại cương nhưng thiếu sự thăng hoa cảm xúc nên chỉ đều đều, ngang bằng về chuyên môn, không có môi trường để bứt phá. Một số khác thì thiếu tâm huyết, thiếu bản lĩnh, lạm dụng danh nghĩa, làm cho nghệ thuật mất dần ý nghĩa cao đẹp.
Nghệ nhân Trần Thảo sinh trưởng trong một gia đình đã đến đời thứ tư theo nghiệp ca Huế, nhã nhạc cung đình. Từ năm 10 tuổi đến nay đã ở tuổi 58, ngoài học nghề theo truyền thống gia đình, ông còn được đào tạo chính quy bài bản ở nhà trường. Theo ông: “Bản chất tinh hoa ca Huế không thay đổi, mà vì cuộc sống đổi thay. Do dịch vụ trên sông Hương bây giờ nhộn nhịp, nhiều người chưa thành nghề cũng đi hát, đi đàn. Kể cả nghệ sĩ chân chính, khi không đủ sống bằng nghề, cũng phải bươn chải, chạy sô. Người ta coi đó là việc mưu sinh nên chất lượng không đồng đều, không ổn định”. Hiện ông là một trong những nhân tố tích cực tham gia biểu diễn, đào tạo tại CLB ca Huế thính phòng của Bảo tàng thành phố Huế. Ông bảo, lớp trẻ bây giờ học ca Huế qua trường lớp, tốc độ nhanh, nhuần nhuyễn về mặt kỹ thuật nhưng chưa chắc nắm được cái thần, cái tinh túy, cảm xúc. Nhưng ông cũng tin tưởng: “Những em nào thật sự yêu thích, đam mê, bỏ công tập luyện, chịu khó học hỏi, sẽ trụ lại. Nếu không, sớm muộn cũng tự đào thải”.
Còn theo NSND, đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế thì: “Những loại hình âm nhạc kiểu này mang tính bác học và cung đình nên kén khán giả. Bởi vậy, khi tương tác nghệ thuật truyền thống cần có sự thay đổi nhất định, vẫn giữ những giá trị mang tính bản sắc nhưng phát huy thêm những giá trị khác, phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện nay. Tiết tấu âm nhạc có thể nhanh hơn, khi giới thiệu có thể diễn giải thêm nguồn gốc, ý nghĩa, giúp người thưởng thức hứng thú và có cái nhìn cụ thể, sâu sắc hơn”.
Đầu tư xây dựng tư liệu về ca Huế đầy đủ, hệ thống, sẽ góp phần truyền dạy và phát huy giá trị đích thực của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Ảnh: Cinet.vn
Người trẻ không quay lưng
Ca Huế hiện nay tuy bị biến thể nhiều, nhưng không có nghĩa là ca Huế “xịn”, “nguyên chất” không còn đất sống. Duy trì hai lần một tuần tại Bảo tàng Văn hóa Huế, có một không gian ca Huế thính phòng là nơi giữ ngọn lửa đam mê và tâm huyết của nhiều thế hệ. Nghệ sĩ Thanh Tâm, Minh Mẫn cùng nhiều nhạc công lão luyện của ca Huế đều đặn sinh hoạt ở đây, vừa để kéo mọi người gần lại, hiểu đúng về ca Huế, vừa truyền nghề lại cho lớp hậu sinh. Trái với hình dung trước đó về một buổi diễn ca Huế thính phòng chỉ toàn người lớn tuổi, khi có mặt, chúng tôi nhận thấy phần đông trong khán phòng là các bạn trẻ. Hầu hết là sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, chủ yếu đến từ Học viện Âm nhạc Huế. “Khi thấy các thanh thiếu niên đến đây, không chỉ xem và tìm hiểu về ca Huế mà nhiều em còn xin được theo học, xin biểu diễn, những nghệ sĩ lớn tuổi như tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi. Đó là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục phục vụ khán giả, bảo tồn môn nghệ thuật truyền thống này” – nghệ sĩ Quỳnh Hoa chia sẻ.
Trần Tấn Đạt (sinh năm 1993), một nghệ sĩ ca Huế trẻ có triển vọng, từng được biểu diễn trong chương trình Festival Huế 2014 và một số lễ hội, liên hoan khác của tỉnh, thẳng thắn bộc bạch: “Em làm thêm nhiều việc để sống, trong đó có đi hát. Nhưng dù thế nào em cũng muốn theo ca Huế nguyên gốc chứ không phải ca Huế đã bị pha trộn, dù kiếm được ít tiền hơn. Được xem và diễn ca Huế thính phòng trong một không gian phù hợp như thế này là ước mơ từ lâu của sinh viên âm nhạc chúng em và những ai thực sự yêu ca Huế. Tại đây, những điệu ca Huế như Nam ai, Nam bình, Phú lục… được trình diễn chuyên nghiệp và có chất lượng cao bởi các nghệ nhân giỏi, tuy không còn phục vụ du lịch nhưng vẫn thừa khả năng ca những làn điệu cổ và khó”.
Ở Huế bây giờ, tuy chưa thể có ngay giải pháp với hiện tượng ca Huế “mỳ ăn liền” phục vụ du lịch, nhưng đáng mừng là được sự quan tâm của các ban, ngành liên quan, ca Huế nguyên bản vẫn được duy trì và có một thế hệ kế cận. Hiện nay, Trường Nghệ thuật – Văn hóa Thừa Thiên-Huế và Học viện Âm nhạc Huế đang trực tiếp đào tạo những lớp diễn viên và nhạc công kế tiếp của ca Huế. Bên cạnh các nhà hát nghệ thuật truyền thống, còn có nhiều CLB ca Huế được hình thành, đặc biệt có sự tham gia của nhiều thanh thiếu niên, sinh viên. Đội ngũ những nghệ nhân bậc thầy như Minh Mẫn, Mộng Điệp, Thanh Hương, Thanh Tâm, Châu Dinh… bây giờ tuổi đã cao, nhưng niềm đam mê ca Huế vẫn sâu nặng như ngày nào. Bằng những việc làm cụ thể, họ đã truyền đạt lại các bí quyết, kỹ thuật thể hiện ca Huế cho lớp nghệ sĩ ưu tú kế cận như: Khánh Vân, Lan Phương, Ngọc Bình, Kiều Oanh, Thu Hằng, Bạch Hạc… và đông đảo nghệ sĩ trẻ đang theo học nghề. Gặp cô bé Phan Thị Tâm Anh, ca nương nhí mới 12 tuổi nhưng đã bộc lộ năng khiếu và niềm yêu thích ca Huế, em hào hứng kể rằng ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương nơi em theo học cũng có một CLB ca Huế với hơn 10 thành viên lứa tuổi như em, mỗi tuần tập một đến hai lần, thỉnh thoảng lại được biểu diễn trong trường hoặc hội diễn của thành phố. Các em và cả gia đình đều cảm thấy tự hào. Các cô, cậu bé cũng bày tỏ mong muốn được tham gia nhiều hơn những buổi ngoại khóa, giao lưu với các anh chị, cô chú nghệ nhân, để tìm hiểu và thêm yêu nghệ thuật truyền thống. Trong nhiều chương trình nghệ thuật, những giọng ca Huế thiếu niên xuất hiện, như thể hiện sự tiếp nối của những người được trao truyền trọng trách giữ gìn ca Huế trong tương lai.
“Để giới trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống, điều quan trọng và mang chiến lược lâu dài là giáo dục âm nhạc truyền thống cho các em. Tức là, dạy cho các em kiến thức về nhạc lý từ nhỏ, khi có sự thẩm thấu qua thời gian dài thì các em sẽ có mỹ cảm về âm nhạc truyền thống. Khi đó, tự khắc các em sẽ yêu thích và đến với nghệ thuật truyền thống”.Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA |
Vinh danh ca Huế không chỉ là khẳng định giá trị lịch sử-văn hóa to lớn của nó, mà còn cần những nỗ lực gìn giữ và phát triển, tạo nên sự lan tỏa và kế thừa, để ca Huế mãi mãi là một giá trị tinh thần, là một nguồn cảm xúc của vùng đất sông Hương, núi Ngự Bình. Nhà thơ Võ Quê cho rằng: “Không chỉ ca Huế, muốn giữ gìn giá trị của tất cả các loại hình văn hóa – nghệ thuật truyền thống khác như kiến trúc, ẩm thực, hội họa, nhã nhạc… đều phải thông qua giáo dục. Hiện nay, chủ trương đưa nghệ thuật truyền thống vào nhà trường đã có, nhưng để thực hiện còn nhiều lúng túng. Nếu nhà trường nào xây dựng mô hình sân khấu học đường và có nhu cầu mời chúng tôi đến để giảng dạy, giới thiệu, chúng tôi sẵn sàng”. Thêm vào đó, việc xây dựng nguồn tư liệu về ca Huế một cách đầy đủ và hệ thống cũng hết sức quan trọng, cần có sự quan tâm, đầu tư xứng đáng.
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.