Mật số rầy nâu trên lúa xuân hè có nơi lên đến 4.000 con/m2
(THTG) Hiện nay, lúa xuân hè trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang bước vào giai đoạn làm đòng và trổ, nhưng diễn biến sâu bệnh, dịch hại khá phức tạp, trong đó đáng ngại nhất là diện tích lúa nhiễm rầy nâu tăng thêm 530 hecta so với tuần trước và mật số rầy ở một số địa phương lên đến 4.000 con/m2, có nguy cơ lúa bị cháy rầy rất cao.
Diện tích lúa bị rầy nâu đang tăng nhanh trong giai đoạn làm đòng và trổ. Ảnh: Lê Long
Theo thống kê của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tiền giang, toàn tỉnh hiện có trên 1.630 hecta lúa bị nhiễm rầy nâu, tăng 530 hecta so với tuần trước. Rầy đang trong giai đoạn tuổi 5 và trưởng thành, một số khu vực xuất hiện gối lứa. Mật số rầy phổ biến từ 300 – 500 con/m2. Tập trung chủ yếu tại huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tx Cai Lậy, Châu Thành và Tân Phước. Trong đó có khoảng 650 hecta lúa ở huyện Cái Bè, Cai Lậy có mật số rầy từ 1.000-1.500 con/m2. Cá biệt có khoảng 25 ha ở huyện Cái Bè có mật số từ 3.000-4.000con/m2. Hiện ngành chuyên môn đang kiểm tra thường xuyên diễn biến rầy nâu và hướng dẫn nông dân giải pháp xử lý, nhằm hạn chế tình trạng lúa bị cháy rầy ảnh hưởng đến năng suất.
phun thuốc là một trong những giải pháp để phòng trừ rầy nâu. Ảnh: Lê Long
Bên cạnh đó, trên lúa xuân hè ở các huyện phía Tây cũng xuất hiện một số đối tượng sâu hại thường gặp và có xu hướng tăng như: có 800 hecta lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, tăng 63 hecta so với tuần trước, tập trung ở huyện Cái Bè, Tân Phước và Châu Thành; có trên 740 hecta lúa bị khô cổ bông với tỷ lệ từ 3 đến 5%, tăng gần 640 hecta; đồng thời các bệnh khác như: đạo ôn, cháy bìa lá, đốm vằn cũng xuất hiện rải rác với tỷ lệ thấp.
Trong tuần tới, lúa bước vào giai đoạn trổ, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun trừ dịch hại cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, không vì nôn nóng mà phối trộn các loại thuốc khác nhau phun một lần sẽ khiến cho sâu bệnh kháng thuốc và tốn thêm chi phí.
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.