Miễn nhiệm Chủ tịch Tập đoàn Điện lực
Thủ tướng quyết vừa ký quyết định thôi chức chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng.
Theo quyết định vừa được ký, ông Đào Văn Hưng sẽ thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Cựu lãnh đạo EVN sẽ về nhận công tác tại Bộ Công Thương. Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ cụ thể của ông Đào Văn Hưng do bộ trưởng Công Thương phân công.
Ông Đào Văn Hưng nguyên là Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào tháng 10/2007. Tháng 2/2011, sau khi EVN chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty TNHH Một thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Hưng tiếp tục được Thủ tướng phê chuẩn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN.
Năm 2011, Thủ tướng đã quyết định chuyển giao toàn bộ EVN Telecom cho Viettel. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tháng 7/2010, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam ông Đào Văn Hưng gây xôn xao dư luận với tuyên bố “có cắt điện hay không chỉ Ngọc Hoàng mới trả lời được”. Vài tháng sau phát ngôn của ông Hưng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đăng đàn nhắc nhở ngành điện cần có cách ứng xử, lời nói phù hợp.
Vài năm gần đây, khi ông Hưng vẫn làm Chủ tịch EVN, tập đoàn này hoạt động kém hiệu quả. Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ Tập đoàn Điện lực (EVN) lên tới gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận thu về khoảng 540 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư chỉ hơn 1%.
EVN đã đầu tư trên 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành kinh doanh chính như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tập đoàn này đầu tư 100% vốn vào Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telcom), với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 đã giảm tới 42% so với năm 2009.
Kết quả kinh doanh trong 3 năm gần nhất của EVN Telecom đi xuống rất nhanh. Nếu như năm 2008 lợi nhuận đạt được 93,8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010. Năm 2011, Thủ tướng đã quyết định chuyển giao toàn bộ EVN Telecom cho Viettel.
Năm 2011, EVN cho biết lỗ 3.500 tỷ đồng.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.