Miền Tây mùa vàng bông điên điển
Ở miền Tây, điên điển là loài cây tuy mọc hoang nhưng mang sắc màu đồng quê ấn tượng. Điên điển trổ bông vàng rực trong những tháng mùa nước lũ (từ tháng 7 – 11) và còn là loại rau sạch được nhiều người ưa chuộng.
Từ bông điên điển, các bà nội trợ miền Tây khéo tay đã chế biến được rất nhiều món ăn “đặc sản” như: Điên điển xào tép, bánh xèo bông điên điển, gỏi bông điên điển, bông điên điển chấm mắm kho…
Trước đây để được thưởng thức các món ăn từ bông điển điển, người ta phải đợi đến mùa lũ. Nhưng hiện nay do nhu cầu cao, để tăng sản lượng cung trong thị trường, người dân thực hiện việc trồng điên điển giống Thái Lan cả vào mùa cạn nên giá bán khá cao và hút hàng.
Cây điên điển là loài cây họ đậu thân gỗ nhỏ, sống lâu năm ở vùng ngập nước theo mùa, chủ yếu tập trung nhiếu nhất An Giang, Đồng Tháp, Long An và TP. Cần Thơ… nơi nước lũ về nhiều.
Bông điên điển là đặc ân mà thiên nhiên ban tặng riêng cho loài cây dại này. Bông có màu vàng tươi, kích thước 15-20 mm, là thức ăn giàu dinh dưỡng.
Điên điển được liệt vào danh sách cây sạch, một năm chỉ xuất hiện một lần mọc ở các đầm ao, hay trồng theo các bờ ranh hoặc đất trống. Cây phát triển rất nhanh, điều đặc biệt cây không cần chăm sóc, hay đầu tư phân thuốc mà vẫn cho bông rất sai, nhờ vậy đã giúp rất nhiều người dân nghèo ở vùng lũ tăng thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Tiết, bán bông điên điển ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành – An Giang, cho biết: Hiện nay giá bông điên điển từ 60.000-70.000 đồng/kg vẫn luôn hút hàng, nhưng khi đến mùa rộ tháng 9-10, giá giảm xuống hơn phân nửa.
Nếu như trước đây, bông điên điển chỉ được xem là là một loại rau của người dân ở các tỉnh miền Tây khi nước lũ về thì nay nó đã trở thành món ăn đặc sản, có mặt trên các bàn tiệc ở nhiều nhà hàng, quán ăn ở ĐBSCL và TP.HCM.
Mùa điên điển nở rộ vào khoảng tháng 9-10 trùng với mùa lũ lên cao ở vùng ĐBSCL.
Bông điên điển là cây tự nhiên không phân thuốc thường được dùng để ăn sống, nhúng lẩu chua cá linh hay lẩu mắm kho, làm dưa chua (thường kết hợp với giá), làm gỏi với tép đồng…
Theo người dân cho biết: thường hái bông điên điển vào buổi chiều, trời chạng vạng vì lúc đó bông vừa mới hé nhụy, tươi ngon. Nếu hái vào buổi sáng hoa nở tròn đầy, ong bướm đã lấy mật không còn tinh túy nữa.
Chị Trần Thị Lệ Bích, ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự – Đồng Tháp, cho biết: “ Vào mùa lũ gia đình có 4 người ngoài việc đánh bắt thủy sản còn đi hái bông điên điển mỗi ngày từ 10-12 kg, đem lại thu nhập mỗi ngày.
Bông điên điển rất ngon, mùi vị cũng rất riêng, lại là một món ăn mang nhiều ký ức và hoài niệm đối với người dân vùng lũ ở miền Tây.
Có một truyền thuyết kể rằng, ngày xửa ngày xưa, khi thần hoa điên điển bắt gặp thần bướm bay qua bay lại toan hút mật. Thần bông điên điển mới nghĩ cách hẹn thần bướm sáng mai mặt trời mọc hãy đến hút để cho hoa thêm lớn thêm xinh. Thần bướm nghe lời. Ngay lúc đó, thần bông điên điển liền báo mộng cho các cô gái mau đến hái trước khi mặt trời mọc. Thần bướm đến trễ tức giận nên đẻ trứng vào bông, trứng nở ra thành sâu.
Tuy nhiên thực tế điên điển là loại cây cây hoang dã nên nó dễ thích nghi với môi trường, có sức cạnh tranh mãnh liệt với sâu bệnh và các cây cỏ khác.
Bông điên điển là món ăn ưa thích của người dân, có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sản đồng quê.
Nguồn Dân việt
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.