Miền Trung: Bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết tăng
Do thời tiết bất thường nên bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết tăng nhanh tại các tỉnh miền Trung.
Thời tiết thay đổi bất thường cộng với việc chủ quan của một bộ phận người dân khiến bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ tăng trong thời gian tới. Các địa phương đang nỗ lực phòng chống dịch.
Anh Trương Hoàng Nam, quê ở xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đau đầu, chóng mặt, toàn thân nhức mỏi, tiểu cầu sụt giảm.
Anh Nam cho biết đã điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam được 3 ngày nhưng bệnh không giảm nên phải nhập Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. “Tôi bị sốt đến hôm nay là ngày thứ 7. Trong thị xã Điện Bàn bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều, bệnh nhân phải nằm 2 người 1 giường. Ở bệnh viện Đà Nẵng cũng phải nằm ghép đôi”- Anh Nam nói.
Tại bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm ghép |
Bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, trong khi quy mô của Khoa chỉ hơn 100 giường bệnh, vì thế bệnh nhân phải nằm 2, 3 người một giường. Ngay cả tuyến y tế cơ sở như Trung tâm Y tế các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hải Châu…, những ngày này cũng rất đông bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và nhập viện.
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, đến nay Trung tâm đã tiếp nhận 144 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có một số trường hợp bị xuất huyết nội tạng, tiểu cầu giảm phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
Cũng theo bác sỹ Dũng, bệnh sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các phường Hòa Quý, Mỹ An.., quận Ngũ Hành Sơn. Đây là nơi tập trung nhiều nhà trọ, các khu giải tỏa người dân làm nhà tạm chờ đền bù, nên thường ẩm thấp, nước đọng.
Bác sĩ Dũng cho biết: “Vừa qua, có 2 trường hợp tiểu cầu quá thấp, phải chuyển lên tuyến trên. Nếu tiểu cầu giảm rất nguy hiểm dẫn đến xuất huyết màng phổi, bệnh nhân khó thở rất dễ tử vong. Ở đây vì có nhiều dự án treo, người dân chưa làm nhà kịp dễ sinh ra muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết”.
Bác sỹ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh từ tháng 9 đến nay. Chỉ hơn 10 ngày, từ ngày 25/10 đến ngày 8/11, thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận 213 trường hợp mắc sốt xuất huyết, nâng tổng số người mắc lên 804 trường hợp, tập trung ở các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Hải Châu…
Để phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế thành phố đã tổ chức tập huấn cho hơn 1.800 cộng tác viên dân số sức khỏe cộng đồng để phối hợp với các tổ trưởng dân phố, Hội, đoàn thể đến từng nhà vận động người dân dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy.
Chính quyền các quận, huyện đã có công văn chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, diệt lăng quăng, bọ gây, tích cực phòng chống sốt xuất huyết.
Theo Bác sỹ Nguyễn Hóa: “Thành phố luôn có đội phản ứng phòng chống dịch cử cán bộ tham gia giám sát, xử lý các ổ dịch bệnh trên địa bàn các quận, huyện; Triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy ở các xã, phường trọng điểm sốt xuất huyết; Triển khai công tác phun hóa chất. Mặc dù công tác truyền thông vẫn thường xuyên, liên tục tuy nhiên vẫn còn một số hộ dân chưa quan tâm công tác diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết. Nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp. Nếu chúng ta nỗ lực thì có khả năng số ca bệnh không tăng mạnh chứ còn giảm thì cũng khó”.
Cách đây không lâu, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các ngành chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống để đến giữa tháng 11 phải dập được dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Thế nhưng, bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh tại địa phương này. Dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh ven biển miền Trung. Trong đó, Khánh Hòa là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất. Hiện nay, bình quân mỗi ngày tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 100 ca mắc sốt xuất huyết mới, nâng tổng số ca mắc đến nay lên hơn 5.100 trường hợp, 2 người đã tử vong.
Tại tỉnh Quảng Ngãi bệnh sốt xuất huyết cũng đã xuất hiện ở hầu khắp các huyện, thành phố vùng đồng bằng với hơn 1.250 ca mắc; tỉnh Bình Định: 1289 ca; tỉnh Quảng Nam: gần 1.200 ca …
Trên thực tế, bệnh sốt xuất huyết phát triển nhiều nhất từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Năm nay, thời tiết bất thường rất thích hợp cho muỗi truyền bệnh sinh sản nhanh. Nếu các địa phương không vào cuộc quyết liệt và người dân thiếu chủ động phối hợp với ngành chức năng trong phòng chống dịch bệnh nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết là khó tránh khỏi ./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.