Miền Trung: Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt
Đến chiều 9-11, lũ trên các sông ở miền Trung tiếp tục xuống chậm và hiện đang ở mức trên báo động 1. Riêng các sông Thu Bồn (Quảng Nam), Cẩm Lệ (Đà Nẵng) vẫn còn ở mức trên dưới báo động 2. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế sẽ lên trở lại trong chiều và tối 9-11 do thủy điện xả lũ.
Mặc dù lũ rút từ chiều 8-11, nhưng do các hồ thủy điện, thủy lợi tiếp tục xả nước nên lũ rút chậm, nhiều vùng hạ lưu vẫn còn bị ngập sâu. Đặc biệt, tại Quảng Nam, đến chiều 9-11 vẫn còn hơn 50% nhà dân ở các huyện Điện Bàn, Quế Sơn, Nông Sơn… vẫn còn bị ngập.
Sáng 9-11, đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thông tuyến. Ảnh: Nguyên Khôi |
Với phương châm “lũ rút đến đâu khắc phục đến đó”, ngay trong ngày 9-11, các địa phương cùng người dân triển khai các biện pháp để khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống, tổ chức tìm kiếm người mất tích.
Sáng 9-11, Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế điều động khẩn cấp 200 đoàn viên dọn vệ sinh tại các trường học trên địa bàn. Nhân viên vệ sinh môi trường phối hợp với hàng ngàn người dân phía bờ Nam TP Huế tích cực làm sạch các trục đường Hùng Vương, Đống Đa, Nguyễn Huệ… Hiện các di tích tại TP Huế đã mở cửa đón khách sau hai ngày đóng cửa tránh lũ. Hàng ngàn du khách đã đến tham quan Đại nội Huế và các di tích lịch sử trong khu vực thành nội Huế. Trưa cùng ngày, Đại Công tước Henri và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Luxembourg trong chuyến thăm và làm việc tại Thừa Thiên - Huế đã trao 100.000 EUR hỗ trợ tỉnh khắc phục lũ lụt.
Theo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, lũ lụt đã nhấn chìm hơn 120.000 ngôi nhà tại các tỉnh miền Trung trong lũ. Với diện tích bị ngập trên diện rộng và mức độ nghiêm trọng nên các địa phương đã di dời gần 10.000 hộ dân vùng trũng thấp, sạt lở đến nơi an toàn. Riêng Quảng Nam phải di dời đến 6.400 hộ (25.000 nhân khẩu). Theo thống kê chưa đầy đủ, đến ngày 9-11, mưa lũ đã làm 26 người chết (Quảng Nam 18; Đà Nẵng 3, Huế 1, Quảng Ngãi 3, Bình Định 1) và 1 người mất tích; 33 nhà bị sập; hơn 3.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại.
Đến chiều 9-11, đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam được thông xe tạm thời sau nhiều ngày ách tắc do sạt lở ta-luy dương và ta-luy âm tại hàng chục điểm, nặng nhất là đoạn đèo Lò Xo giáp ranh giữa huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) và huyện Đắk Lie (tỉnh Kon Tum). Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi được thông tuyến, mưa lớn vẫn diễn ra khiến đất đá tiếp tục đổ xuống mặt đường, đe dọa tắc đường trong những ngày tới.
Các tuyến quốc lộ 14B, 14D nhiều vị trí bị sạt lở ta-luy dương và sạt lở mặt đường với khối lượng khoảng 13.500m³. Các tuyến ĐT 604, 606, 610, 611, 616, 617 có rất nhiều vị trí bị sạt lở ta-luy âm và dương, khối lượng sạt lở khoảng 25.000m³. Đường Nam Quảng Nam qua địa phận huyện Nam Trà My sạt lở nặng với khối lượng đất đá khoảng 15.000m³ gây ách tắc giao thông nhiều vị trí. Còn tại Quảng Ngãi, đường giao thông nông thôn tại một số điểm tại các huyện Sơn Tây, Minh Long, Sơn Hà bị sạt lở, với khối lượng đất: 87.000m³. Tại Bình Định, tuyến T4, T5 - Gò Dũng Bok Tới, Hoài Ân sạt chân khay cống tiêu làm trôi một đoạn dài 20m, chia cắt giao thông.
Cũng theo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, đến ngày 9-11, Quảng Ngãi vẫn còn 673 tàu (5.765 lao động) đang hoạt động trên biển; trong đó có 11 tàu (158 lao động) đang nằm trong vùng nguy hiểm. Còn Bình Định hiện có 97 tàu (682 lao động) đang hoạt động trên vùng biển từ Quảng Ngãi trở ra, số tàu thuyền này đang giữ liên lạc với gia đình và bộ đội biên phòng.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.