Mít-tinh trọng thể kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ X – 2015
Tối 21-6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô (TP Hà Nội) đã diễn ra lễ mít-tinh trọng thể kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2016) và Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ X – 2015, tôn vinh các tác phẩm báo chí xuất sắc. |
Tham dự buổi lễ có đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư và TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo một số địa phương. Tại lễ kỷ niệm, giới báo chí cả nước vinh dự và vui mừng đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi tới những người làm báo trên cả nước tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng chí nhấn mạnh: Với truyền thống hơn 90 năm đồng hành cùng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng thể hiện tốt vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị – xã hội và là diễn đàn của nhân dân… (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo hôm nay). Phát biểu ý kiến tại lễ trao giải, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, nêu rõ: 91 năm qua, kể từ ngày 21-6-1925, ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản báo Thanh Niên – tờ báo mở đầu, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tin yêu, ủng hộ và đùm bọc của nhân dân. Trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước… báo chí cách mạng nước ta luôn là lực lượng đi đầu, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn của nhân dân. Các thế hệ nhà báo cách mạng, thật sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, như chính lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm báo cách mạng… Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Báo chí cách mạng nước ta đã khẳng định những truyền thống cách mạng nổi bật. Đó là truyền thống vững vàng về bản lĩnh chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc. Đó là truyền thống luôn luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, theo lý tưởng và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Đó là truyền thống luôn luôn sáng tạo, tự đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế. Với đội ngũ người làm báo hơn 23 nghìn hội viên, đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại, chúng ta tự hào đã có một nền báo chí phát triển. Đánh giá về những thành tựu của báo chí trong năm 2015, đồng chí Thuận Hữu cho biết: Năm vừa qua có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Phát huy những truyền thống vẻ vang, báo chí tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, tuyên truyền sâu rộng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng, Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020); thực hiện Hiến pháp năm 2013, tuyên truyền các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế – xã hội trong năm 2015 của Chính phủ, Quốc hội, nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia… Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm. Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phát động đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể hội viên và các cấp hội về việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh – nhà báo cách mạng bậc thầy, theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; thảo luận, sửa đổi, bổ sung Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Đợt sinh hoạt chính trị gắn với yêu cầu các cấp hội và toàn thể hội viên quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện và tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, Luật Báo chí (sửa đổi) và tiến tới chuẩn bị thực hiện Đề án Quy hoạch và phát triển báo chí đến năm 2025. Đồng chí Thuận Hữu cho biết: Năm nay là năm thứ mười tổ chức xét tặng Giải Báo chí quốc gia, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải Báo chí quốc gia và Quyết định ngày 22-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng Giải Báo chí quốc gia. Giải đã thu hút hơn 1.660 tác phẩm tham dự từ khắp nơi trên cả nước, có số lượng vào loại cao nhất trong mười năm qua. Đặc biệt, số lượng các cấp Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố tham dự cao nhất, với 61 trong số 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố có tác phẩm dự giải, đã chứng tỏ hiệu quả và sức thu hút của Giải đối với hội viên. Công tác thu nhận, thẩm định tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo đã được tiến hành nghiêm túc theo Điều lệ Giải, chuyên nghiệp và công tâm. Hội đồng sơ khảo đã chọn được 142 tác phẩm tiêu biểu trình Hội đồng chung khảo. Hội đồng chung khảo đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao tám giải A, 25 giải B, 40 giải C và 19 giải khuyến khích, theo 11 loại giải ở cả bốn loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, cho những tác phẩm nổi trội nhất. Những tác phẩm đoạt giải đều có nội dung tư tưởng tốt, có tính phát hiện. Nhiều tác phẩm có tính chiến đấu cao, sáng tạo trong cách thể hiện, nhất là áp dụng được những công nghệ làm báo tiên tiến. Tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng trao các giải A; Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông trao các giải B; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam trao giải C, tặng các nhóm tác giả, tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc đoạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ X – 2015. Năm nay, Báo Nhân Dân có một tác phẩm đoạt giải A và ba tác phẩm đoạt giải B Giải Báo chí quốc gia lần thứ X – 2015. Các giải về Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, ghi chép (báo in) có: Loạt bài năm kỳ: Đầu tư cho nông nghiệp của nhóm tác giả Vũ Viết Đoàn, Lê Quang Nhung – đoạt giải A; tác phẩm loạt bốn bài: Nhìn lại đại hội đảng bộ cấp cơ sở và Kinh nghiệm từ đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở của nhóm tác giả: Lê Mậu Lâm, Tiểu Phương, Hà Hồng Hà, Nguyễn Văn Bắc, Tô Nam – đoạt giải B. Tác phẩm loạt bốn bài: Mạng ảo, trách nhiệm thật!; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Sẽ điều chỉnh hành vi người dùng mạng xã hội theo luật; Không ai vô can trên mạng xã hội; Khắc khoải bình yên trên cộng đồng “ảo”, của nhóm tác giả: Ngô Thị Hương Sen, Phan Thanh Phong, Phùng Nguyên, Phan Thanh Quý, Nguyễn Hoài, Hoàng Minh Trí – đoạt giải B về Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (báo in). Tác phẩm Đôi điều tản mạn về công nghiệp hóa của tác giả Vũ Khoan – đoạt giải B về Xã luận, bình luận, chuyên luận (báo in). Nguồn http://nhandan.com.vn/ |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.