Mở đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịp Tết

Các tỉnh Đắk Nông, Quảng Bình đang triển khai tháng cao điểm về an toàn thực phẩm dịp Tết 2013 trên địa bàn tỉnh với khẩu hiệu “Bữa ăn an toàn”, “mười nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn” và “năm chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn”.  Qua một số đợt thanh tra, kiểm tra và giám sát thời gian qua, đoàn đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Nội dung mà tỉnh Đắk Nông triển khai chủ yếu là tập trung tuyên truyền trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại cơ sở nghiên cứu và sản xuất kinh doanh, đảm bảo các sản phẩm có đầy đủ các chỉ tiêu như: nhãn mác, nguồn gốc nguyên liệu, nguồn gốc phụ gia, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người lao động, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm… Đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được sử dụng tiêu thụ trong dịp Tết như: rượu, bia, bánh, kẹo, thịt, cá; các cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách lựa chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 3.416 cơ sở, trong đó 143 cơ sở sản xuất, 1.838 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.435 cơ sở dịch vụ ăn uống. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.
 

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh
 Quảng Bình làm việc
tại một cơ sở sản xuất nem, chả thịt
ở thành phố Đồng Hới. (Nguồn: baoquangbinh.vn)

* Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình đã mở đợt cao điểm tiến hành thanh, kiểm tra một số hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Qua một số đợt thanh tra, kiểm tra và giám sát, đoàn đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Tại doanh nghiệp TNHH Hà Thọ ở phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể như các mặt hàng không có giá kệ đỡ; các nhân viên của cơ sở chưa khám sức khỏe định kỳ. Đoàn kiểm tra còn phát hiện tại kho hàng của cơ sở này có 16 gói kẹo loại có trọng lượng 350g đã hết hạn sử dụng. Kiểm tra tại siêu thị Hiếu Hằng, đường Nguyễn Hữu Cảnh, Đồng Hới, đoàn phát hiện trên 120 kg kẹo cau và kẹo XO không có nhãn mác phụ, đã quyết định niêm phong, giao cho chủ cơ sở tự bảo quản chờ cơ quan chức năng xử lý.

Tại một số chợ trên địa bàn các huyện, thành phố, qua đợt kiểm tra, đoàn cũng đã phát hiện nhiều vi phạm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ít hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh không đảm bảo điều kiện vệ sinh; không có hoặc có nhưng hết hạn Giấy chứng nhận sức khỏe đối với chủ cơ sở, người lao động… Một số cơ sở kinh doanh vẫn còn tình trạng bày bán hàng hóa như bánh kẹo, mứt, nước ngọt… không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hết hạn sử dụng…

Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát nơi sản xuất, lưu thông hàng hóa tại các cơ sở đóng trên địa bàn tỉnh như: Kiểm tra thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh thực phẩm, các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiểm soát các cơ sở kinh doanh nguyên liệu và chất phụ da thực phẩm phục vụ sản xuất; kiểm tra sản phẩm hàng hóa theo đúng 8 nội dung quy định về nhãn mác khi lưu thông trên thị trường… Đối với những hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, đoàn kiểm tra đã có biện pháp xử lý tùy theo mức độ như nhắc nhở, làm biên bản yêu cầu chủ cơ sở cam kết không kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có chất cấm, tiến hành tiêu hủy, phạt tiền và khuyến cáo đến người kinh doanh, người tiêu dùng các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.