Mô hình trồng rau sạch tại vùng “đất chết” Tân Phước

(THTG) Là một trong những địa phương của vùng Đồng Tháp Mười, Tân Phước được ví như vùng “đất chết”, bởi đây là vùng đất trũng và nhiễm phèn rất nặng. Nhưng sau hơn 20 năm khai phá và kiên trì cải tạo đất, đến nay vùng “đất chết” Tân Phước đã “hồi sinh” với nhiều loại hoa màu và cây ăn trái mọc lên từ vùng đất trũng, phèn này. Hiện tại, ngoài cây khóm, thanh long và khoai mỡ, những năm gần đây đã xuất hiện mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu, trở thành một điểm sáng trong phát triển nông nghiệp tại huyện Tân Phước.

       1

Mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu. Ảnh: Việt Trinh

Dám nghĩ, dám làm

Người được nhắc đến trong việc thực hiện mô hình trồng rau thủy canh này không ai khác chính là anh Nguyễn Hoàng Duy, sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhận được bằng tiến sĩ về công nghệ thông tin tại Đài Loan, nhưng anh đã rẽ sang hướng đi khác, trồng rau theo phương pháp thuỷ canh. “Hồi xưa gia đình tôi gốc ở Tiền Giang, thuần nông nghiệp. Khi ba mẹ tôi về hưu mong muốn làm gì đó giúp đỡ cho xã hội. Cùng lúc đó rau không an toàn bùng phát lên, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Từ đó gia đình tôi quyết định quay về quê hương và quyết định đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp”. Anh Duy đã trở về quê hương, chọn mãnh đất xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang làm nơi thực hiện ý tưởng trồng rau sạch của mình, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp tại nơi đây.

                     2

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Duy (phải). Ảnh: Việt Trinh

Anh bắt đầu thực hiện ý tưởng từ năm 2012. Qua 5 năm thực hiện, đến nay anh đã hoàn thành các khâu: xây dựng nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, ươm giống vào giá thể. Tháng 9/2017 vừa qua, anh Duy đã thu hoạch vụ rau đầu tiên với năng suất ổn định. Đó là bước khời đầu khá thuận lợi và thành công.

         3

 Hạt giống được cấy vào mút xốp và trồng vào giá thể. Ảnh: Việt Trinh

Với diện tích tổng thể 1,5 hecta, có mức vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/1000m2, anh Nguyễn Hoàng Duy trồng 6 loại rau xà lách ôn đới và 5 loại cải khác nhau như rau muống, cải ngọt, cải bẹ trắng, cải bẹ xanh và cải thìa. Trong thời gian tới, anh Duy sẽ trồng thêm dưa leo và dưa lưới nhằm hướng đến mục tiêu đa dạng hoá sản phẩm.

Hiện tại, mỗi tháng anh Duy xuất ra thị trường khoảng 60 tấn rau với giá bán từ 30 – 40 ngàn đồng/1kg tuỳ loại.

Mô hình phù hợp cho vùng đất Tân Phước

Phương pháp thủy canh hồi lưu có nhiều ưu điểm so với trồng rau trên đất như: Cây trồng phát triển đồng đều, không có sâu bệnh, không phải làm đất, không sử dụng phân bón hóa học. Hệ thống bơm nước tự động giúp cho cây trồng luôn có đủ chất dinh dưỡng để phát triển, không mất nhiều thời gian chăm sóc và thu hoạch.

Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp hiện nay, trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu là phương pháp tiên tiến trở thành hướng đi mới cho việc phát triển nông nghiệp sạch và bền vững. Đặc biệt tại vùng đất Tân Phước, mô hình này cần được nhân rộng và phát triển hơn nữa.

Việt Trinh