Mô hình xử lý phân gia cầm bảo vệ môi trường

(THTG) Ngày 23-12, hơn 20 thành viên là cán bộ thú y cơ sở và đại diện Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến tham quan “mô hình phân hữu cơ truyền thống được ủ từ chất thải chăn nuôi gia cầm” tại hộ chăn nuôi ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo.

vlcsnap-2020-12-24-08h49m26s989

vlcsnap-2020-12-24-08h46m35s877

Trại gà của gia đình ông Lê Văn Hưng, ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Trí

Mô hình được Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện từ đầu năm 2019, trên trại gà đẻ trứng quy mô 80.000 con, của gia đình ông Lê Văn Hưng, ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo. Quy trình xử lý phân tươi của gia cầm được thực hiện qua 04 bước gồm: phun xịt chế phẩm sinh học EM lên chất thải rắn dưới nền chuồng; Sau 5 -7 ngày, phun xịt chế phẩm sinh học EM lần 2 và thu gom bỏ vào bao buộc kín khoảng 30 ngày. Sau thời gian ủ và buộc kín, tiếp tục đổ phân ra ngoài, dàn đều và phun xịt chế phẩm sinh học EM lần 3, sau đó thu gom bỏ vào bao buộc kín khoảng 15 ngày và cuối cùng là đổ phân ra ngoài, dàn đều, đảo trộn trong 20 ngày để phân hoai mục hoàn toàn. Trong quá trình thực hiện, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Tiền Giang đã lấy mẫu 5 lần để đánh giá các chỉ tiêu về chất hữu cơ, độ ẩm, độ pH và bước đầu mô hình cho kết quả khả quan.

vlcsnap-2020-12-24-08h48m33s379

vlcsnap-2020-12-24-08h48m07s132

Mô hình xử lý phân tươi của gia cầm tại trại . Ảnh: Minh Trí

Xử lý phân tươi của gia cầm thành phân hữu cơ truyền thống thông qua việc sử dụng chế phẩm EM là một trong những giải pháp hiệu quả để xử lý và bảo vệ môi trường. Từ hiệu quả của mô hình, những năm tiếp theo của ngành chăn nuôi và thú y sẽ tiếp tục triển khai đến các hộ chăn nuôi, với 2 mục đích chính là giảm mùi hôi, góp phần bảo vệ môi trường và tạo nguồn phân bón hữu dụng cho cây trồng.

Kim Nữ