Mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản

       Khủng hoảng kinh tế ở một số khu vực trên thế giới đã gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Giá nhiều mặt hàng nông sản có sự sụt giảm đáng kể, thị phần ở các thị trường truyền thống bị thu hẹp đã buộc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm kiếm cơ hội ở những thị trường mới. Đphát triển, mở rộng thị trường nông sản, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

Mở rộng thị trường - nhiều khó khăn, thách thức

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2011 đạt xấp xỉ 25 tỉ USD, tăng 27,9% so cùng kỳ năm trước, góp phần giảm nhập siêu và nông nghiệp trở thành điểm tựa cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Tính trong 8 tháng đầu năm 2012, dù nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chưa có nhiều khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản vẫn đạt 18,1 tỉ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có thị phần lớn và chiếm vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu nông sản như: gạo (đứng thứ 2 thế giới), hồ tiêu (đứng thứ nhất thế giới), hạt điều (đứng thứ 2 thế giới), mới đây lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vượt qua Brazil để trở thành nước xuất khẩu cà phê số một trên thế giới (chiếm 40% thị phần)…

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt nam chiếm vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu nông sản
 (Ảnh minh họa: M.P)

Tuy nhiên, mặc dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh về giá trị khiến thị trường nông sản Việt Nam đang có nhiều bấp bênh chưa được tháo gỡ còn người nông dân bị thiệt hại. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân một phần là do chúng ta đang xuất khẩu chính sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc… cùng với đó khó khăn của châu Âu vẫn tiếp diễn, nền kinh tế Mỹ lại phục hồi chậm. Vì vậy sức mua tại các thị trường trên giảm đáng kể. Trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam, còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Đầu tiên là sản xuất hàng nông sản của nước ta chủ yếu do hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ là phổ biến nên sẽ gặp khó khăn khi thị trường yêu cầu với số lượng lớn, chất lượng cao, bảo đảm tính đồng bộ về quy cách…

Bên cạnh đó, nông sản nước ta phải đối mặt và cạnh tranh quyết liệt đối với hàng nông sản của nước ngoài trên thị trường cả trong và ngoài nước, nhất là nông sản nhập khẩu có chất lượng cao như các sản phẩm sữa, thịt bò, hoa quả… từ các nước như Úc, Nhật, Mỹ…

Đồng thời, các thị trường lớn ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, nên nhiều nước đã đưa ra các quy định ngày càng khắt khe đối với hàng nông, thủy sản nhập khẩu.

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam còn thấp do chất lượng sản phẩm chưa cao, chủng loại còn đơn điệu và chủ yếu là nông sản thô hoặc mới qua sơ chế, nên giá trị gia tăng đem lại còn thấp.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Để khắc phục hạn chế, vượt qua khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa nhằm phát triển, mở rộng thị trường nông sản, cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Bên cạnh các giải pháp liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như làm tốt công tác quy hoạch sản xuất các vùng chuyên canh; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản cũng cần mở rộng thị trường tiêu thụ khi mà những thị trường truyền thống đang gặp khó khăn.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần chú trọng tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nước ngoài; tập trung xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm có kim ngạch nhập khẩu lớn và đối với các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn. Để làm được điều này, đòi hỏi hoạt động xúc tiến thương mại phải thay đổi mới mạnh mẽ hình thức, chất lượng theo hướng liên kết vùng, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Mỗi chương trình không nhất thiết mở thật nhiều gian hàng, giới thiệu tràn lan các mặt hàng mà phải có trọng điểm và tập trung vào những chủ đề hợp lý. Tại mỗi thị trường nên nhấn mạnh vào một vài sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh.

 

 Gần đây, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê số 1 trên thế giới
 (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Đối với chương trình khảo sát, mỗi đoàn đi tìm thị trường phải đặt mục tiêu và theo đuổi đến cùng mục tiêu đó. Bên cạnh đó cần tổ chức cập nhật, dự báo thông tin, kết hợp với đại diện thương mại ở nước ngoài kịp thời phát hiện cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng, những tin bất lợi đối với xuất khẩu Việt Nam, để chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải tỏa.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Trước mắt, cần định hướng lựa chọn một số thương hiệu chủ lực cho các mặt hàng nông sản đang có thế mạnh trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… để có thể xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường có nhu cầu mà không phải qua trung gian hoặc mượn thương hiệu nước ngoài.

Ngoài ra, để hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước gia nhập thị trường nước ngoài, cần tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của các thương vụ, tăng cường đại diện tham tán thương mại tại các khu vực thị trường trọng điểm và phối hợp chặt chẽ giữa các Hiệp hội ngành hàng và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Những giải pháp trên kết hợp với các giải pháp khác, nếu được triển khai đồng bộ với sự quan tâm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường theo hướng tích cực nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh hàng nông sản Việt Nam. Trên cơ sở đó, góp phần cải thiện đời sống nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững./.