Mở trang mới trong quan hệ chiến lược Việt-Đức

Là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, CHLB Đức cũng là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Chuyến thăm chính thức CHLB Đức lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel ký kết “Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Nam và Đức – Đối tác chiến lược vì tương lai”.  Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhận lời mời của Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến thăm chính thức CHLB Đức. Đây là sự kiện quan trọng mở ra một trang mới trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức.

Chuyến thăm chính thức CHLB Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm tăng cường quan hệ chính trị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; tạo những bước chuyển mạnh mẽ hơn trong hợp tác kinh tế, thương mại song phương; trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Đặc biệt, chuyến thăm nhằm triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực lao động, đào tạo nghề, giáo dục và các dự án lớn đã ký kết. Đồng thời chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày các được tăng cường thông qua trao đổi đoàn cấp cao.

Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam vào mùa thu năm 2011 của Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội, nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược. Sang năm tới (2015) hai nước sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Về kinh tế, với vị thế là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước có những bước phát triển tích cực.

Coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á, tính đến tháng 8/2014, Đức có 232 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1,25 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thiết bị, năng lượng, hóa chất, y dược…

Đối với người Việt Nam, những thương hiệu hàng đầu thế giới có xuất xứ từ nước Đức như: Siemens, Mercedes-Benz,… đã trở thành quen thuộc.

Ở chiều ngược lại, Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% số lượng hàng xuất khẩu của nước ta sang EU. Đây còn là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở cựu lục địa. Với kim ngạch thương mại song phương tăng đều hơn 10%/năm, năm 2013 kim ngạch giữa hai nước đã đạt con số 7,7 tỷ USD; trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 3,6 tỷ USD…

Là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam, từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp hơn 1,5 tỷ USD cho các dự án ODA thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Chính phủ Đức cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA gần 100 triệu USD trong giai đoạn 2014-2015.

Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa, giáo  dục- đào tạo, du lịch, khoa học – công nghệ… diễn ra sôi nổi. Đức được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng nhất của du lịch Việt Nam với số lượng khoảng 100 nghìn lượt khách/năm thăm Việt Nam trong những năm gần đây.

Đáng chú ý, ở Đức cộng đồng Việt Nam hiện có khoảng 125 nghìn người, cuộc sống tương đối ổn định. Phần lớn các tổ chức hội đoàn của người Việt Nam tại Đức có tinh thần yêu nước, là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng với quê hương. Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao.

Với những kết quả toàn diện đã đạt được trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, trên tinh thần xây dựng, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, chúng ta tin tưởng rằng chuyến thăm chính thức CHLB Đức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức lên tầm cao mới, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Nguồn Chính phủ