Mỗi người cần học nhiều hơn, đọc nhiều hơn

Dân tộc Việt Nam muốn vươn lên, đuổi kịp các nước, muốn sánh cùng năm châu bè bạn thì nhất định phải nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Mỗi người phải học nhiều hơn, phải đọc nhiều hơn.

z2117859600780_83dfeefa000939275b8c017a3e8426fb

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ trao Giải Sách quốc gia lần thứ 3. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ suy nghĩ này tại lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội, tối 9/10.

Tôn vinh giá trị của sách, của người viết sách

Giải thưởng Sách quốc gia được tổ chức và trao giải hằng năm, nhằm trao cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận, giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực.

Giải thưởng khuyến khích, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng định hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập.

Mặc dù diễn ra trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, nhiều tháng cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nhưng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba vẫn thu hút sự tham gia của 48 nhà xuất bản trên cả nước (tăng 6 nhà xuất bản so với Giải thưởng Sách lần thứ hai) với 362 cuốn sách (tăng 7 cuốn sách) cho 255 tên sách (giảm 4 tên sách).

Ban Tổ chức Giải thưởng đã mời các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học có uy tín, phù hợp với chuyên ngành sách xét giải.

Sách được đề nghị đoạt giải đều phải trải qua các vòng chấm: Các tiểu ban chuyên ngành Hội đồng Sơ khảo; Hội đồng chấm Chung khảo; Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia. Các cuốn sách được đề nghị giải A còn phải qua khâu phản biện kín.

Trên cơ sở 2 vòng Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đã trao đổi và thảo luận kỹ trước khi bỏ phiếu bầu chọn các cuốn sách đạt giải. Kết quả: Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba đã thống nhất trao giải cho 27 cuốn sách, bộ sách, trong đó có 3 giải A, 10 giải B và 14 giải C. Các cuốn sách, bộ sách đạt giải được đánh giá là những tác phẩm giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao.

z2117888029303_e2c38aceb5506f3825e7178212b434f0

Các tác giả đạt giải A. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tầm quan trọng của sách không suy giảm

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Không chỉ cung cấp tri thức, sách còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn và đem lại những giá trị nhân văn. Bất kỳ một xã hội văn minh nào cũng đều mong muốn tạo thói quen đọc sách cho người dân.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, đã vượt qua nhiều khó khăn, chiến thắng nhiều thiên tai địch họa nhờ truyền thống yêu nước thương nòi, lòng dũng cảm, trí tuệ và tài năng. Những truyền thống đó được trao truyền qua nhiều hình thức, trong đó sách có vai trò đặc biệt quan trọng. Các kiến thức, tri thức, giá trị của các dân tộc khác cũng được dân tộc chúng ta chọn lọc, kế thừa, rất nhiều điều trong đó đã góp phần làm nên nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc và hội nhập.

Ngày nay, công nghệ thông tin thay đổi cách con người sống và làm việc, và cả cách học, cách đọc, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng đọc sách và tầm quan trọng của sách không vì thế mà giảm sút.

Xuất phát từ tầm quan trọng của sách đối với sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và cả đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về Ngày sách Việt Nam. Giải thưởng Sách quốc gia là hoạt động ý nghĩa, cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với văn hoá đọc, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tôn vinh giá trị của sách, của người viết sách.

Đến nay, Giải thưởng Sách quốc gia đã qua 3 lần tổ chức. Qua mỗi lần tổ chức, Giải thưởng lại có những đổi mới và kết quả tích cực hơn. Số lượng các nhà xuất bản, số lượng sách tham dự, đặc biệt sức lan tỏa của Giải thưởng trong xã hội ngày càng tăng.

Tuy nhiên, để phát triển văn hoá đọc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh còn rất nhiều việc phải làm.

Trường học vĩ đại nhất là sách vở

Trước hết, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế, dù thói quen đọc sách vài năm gần đây đã được chú ý hơn nhưng dường như vẫn còn phai nhạt so với những ngày đất nước chúng ta còn rất khó khăn do chiến tranh, thiếu thốn. Văn hoá đọc chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trên bình diện quốc gia, chưa cổ vũ xã hội học tập, một xã hội ham học, ham đọc thực sự. Tài liệu đọc trong các thư viện công cộng còn nghèo nàn, phục vụ đọc chưa chuyên nghiệp… Chưa kể sách lậu tràn lan, vi phạm bản quyền làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất bản vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Với dân số gần 100 triệu người, nếu trừ đi số lượng sách giáo khoa, sách chuyên khảo thì mỗi người Việt Nam chỉ có khoảng 1,4 bản sách/năm, chỉ bằng 1/3 so với các nước trong khu vực.

Theo Phó Thủ tướng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra đem đến cả cơ hội cùng thách thức. Kiến thức, thông tin và sách đến với độc giả ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về phương tiện biểu đạt, truyền tải. Thói quen đọc sách thay đổi. Bên cạnh mặt tích cực thì công nghệ thông tin, mạng internet cũng tạo ra những thách thức rất lớn đối với việc định hướng văn hoá đọc của từng người dân. Nhưng trường học vĩ đại nhất vẫn là sách vở, dù rằng sách ngày hôm nay không đơn giản là những cuốn sách truyền thống ngày hôm qua.

“Chúng ta cần khơi nguồn cảm hứng để mọi người Việt Nam dành thời gian cho việc đọc, việc học để nâng cao tầm hiểu biết và bồi dưỡng tâm hồn. Chúng ta cần có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để sách và người viết sách, xuất bản sách và người ham đọc sách được tôn vinh, được tạo điều kiện để đóng góp tài năng, nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp chung. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành xuất bản mà của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội”, Phó Thủ tướng kêu gọi.

Phó Thủ tướng ghi nhận không chỉ các tác giả, dịch giả, các nhà khoa học, các đơn vị xuất bản đạt giải lần này mà cả những đơn vị, cá nhân chỉ bằng việc tham gia Giải thưởng đã đóng góp thiết thực cho phát triển văn hoá đọc nói riêng, phát triển văn hoá đất nước nói chung.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các đơn vị xuất bản trên cả nước cần có nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa để Giải thưởng Sách quốc gia trở thành một sự kiện văn hoá ý nghĩa, nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần đẩy mạnh hơn nữa văn hoá đọc.

Nguồn Chính phủ