Một năm tự hào của thể thao Việt Nam
Thể thao Việt Nam vừa trải qua một năm đầy dấu ấn với chiến tích lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở đấu trường Olympic, là tấm HCV đầu tiên của bơi lội ở giải vô địch châu Á hay cú đột phá ngoạn mục của thể thao người khuyết tật tại Paralympic… Tất cả những điểm nhấn đó đã hòa quyện để tạo thành bức tranh thể thao 2016 đẹp và đáng tự hào.
Hầu như mọi sự lựa chọn của giới truyền thông đều đã nghiêng hẳn về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cho danh hiệu “VĐV tiêu biểu năm 2016”, dù sự kiện này chưa diễn ra. Đây là điều dễ lý giải, bởi Xuân Vinh đã biến năm 2016 trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của thể thao Việt Nam.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được xướng tên trên đấu trường Olympic
Xuân Vinh đoạt 1 HCV và 1 HCB môn bắn súng, khiến thế giới phải ngỡ ngàng, đồng thời chứng minh thêm một điều rằng nghịch cảnh khó khăn không cản được ý chí vươn lên cũng như khát vọng chiến thắng tiềm ẩn trong trái tim của mỗi VĐV, ngay cả khi họ đã bước qua tuổi 40 như anh.
Thể thao Việt Nam từng đặt rất nhiều kỳ vọng trong những cuộc hành trình đến với đấu trường Olympic, chọn cử tạ, taekwondo, TDDC là nhóm môn mũi nhọn thực sự. Tuy nhiên, ngoại trừ 2 tấm HCB mà võ sĩ Trần Hiếu Ngân và lực sĩ Hoàng Anh Tuấn giành được vào các năm 2000 và 2008, những lần xuất ngoại khác đều thất bại dù được đầu tư nhiều tiền của, cho đến khi bắn súng tạo bước đột phá ngoạn mục và giúp thay đổi diện mạo của cả nền thể thao.
Giờ đây, thể thao Việt Nam đang hướng đến một chiến lược mới, tập trung mọi nguồn lực mạnh nhất để đầu tư cho bắn súng, tiếp tục cho cử tạ, bơi lội và taekwondo để trong vòng 4 năm nữa, ít nhất đoàn thể thao Việt Nam đến Tokyo 2020 sẽ giữ vững được thành tích mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng làm được. Điều này đã trở thành nhiệm vụ phải thực hiện đối với ngành TDTT.
Năm 2016 vốn được cho là thời điểm để “tiểu tiên cá” Ánh Viên bùng nổ ở các sự kiện bơi lội của châu lục và thế giới, trong đó có Olympic ở Brazil. Tuy nhiên, mặc dù cô vẫn thể hiện sự tiến bộ thần tốc nhưng vẫn chưa thể sánh ngang với VĐV đến từ các cường quốc bơi lội như Mỹ, Australia, Hungary… Thất bại ở đấu trường khốc liệt, nhưng Ánh Viên đã kịp “gỡ gạc” bằng tấm HCV 400m cá nhân hỗn hợp nữ ở giải Vô địch bơi châu Á diễn ra sau Olympic vài tháng. Đấy cũng là ngôi vô địch đầu tiên của bơi lội Việt Nam ở sân chơi châu lục, cũng phần nào giải được cơn khát của thể thao nước nhà. Ánh Viên thừa nhận đấy chính là động lực cho cô tiếp tục nỗ lực tập luyện ở Mỹ, để chuẩn bị cho một cú nhảy vọt thực sự sau 4 năm nữa.
Bên cạnh những dấu ấn đáng kể trên, thể thao Việt Nam năm 2016 còn ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của tay vợt Lý Hoàng Nam – điển hình của công tác xã hội hóa thể thao, với chiến tích lần đầu tiên vô địch hệ thống giải Men’s Future, như một bước khởi đầu đáng khích lệ cho chặng đường tiến lên chuyên nghiệp của Nam. Môn thể thao vốn nằm trong nhóm đầu tư số 1 là taekwondo rốt cuộc cũng đã có dấu hiệu hồi phục với tấm HCV trẻ thế giới mà võ sĩ Hồ Thị Kim Ngân giành được, thắp lên hy vọng trong giai đoạn chuẩn bị nguồn nhân lực cho Olympic 2020, cùng với các môn bắn súng, cử tạ, bơi lội, điền kinh, TDDC, rowing…
Cũng góp phần tô vẽ cho bức tranh tổng thể của thể thao Việt Nam năm nay, thể thao người khuyết tật đã thắng lớn ở Paralympic với thành tích 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ, trong đó lực sĩ Lê Văn Công là người nổi bật nhất với chiến thắng và thiết lập kỷ lục thế giới mới ở môn cử tạ. Điều quan trọng là những VĐV khuyết tật đã khiến tất cả phải khâm phục vì nghị lực vươn lên, vì cái cách mà họ vượt qua nghịch cảnh, khiếm khuyết cơ thể để sống tốt, sống có ích cho xã hội…
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.