Một phần ba trẻ em Việt Nam dưới năm tuổi thấp còi
Báo cáo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2009 – 2010 cho thấy một phần ba trẻ em Việt Nam dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ dưới năm tuổi là 5,6% và đang có xu hướng gia tăng. Đó là những số liệu được Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế vừa công bố tại Hà Nội.
“Gánh nặng kép” suy dinh dưỡng và béo phì
Theo báo cáo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2009 – 2010, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/ tuổi) ở trẻ em dưới năm tuổi giảm mạnh, tính chung cả nước mỗi năm trung bình giảm khoảng 1,5%. Cụ thể, năm 2010 tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em nước ta là 17,5% (chỉ tiêu cân nặng/ tuổi), trong đó SDD vừa (độ I) là 15,4%, SDD nặng (độ II) là 1,8% và SDD rất nặng (độ III) là 0,3%. 20/63 tỉnh thành có mức SDD trẻ em trên 20%, xếp ở mức cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/ tuổi) ở trẻ em dưới năm tuổi đã giảm đáng kể từ 43,3% năm 2000 xuống còn 29,3% vào năm 2010. Đến năm 2010 vẫn còn 28 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao hơn mức trung bình của cả nước, trong đó 12 tỉnh có tỷ lệ trên 35%. Việt Nam vẫn còn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao trên phạm vi toàn cầu.
Phân bố suy dinh dưỡng không đồng đều ở các vùng sinh thái khác nhau. Mức suy dinh dưỡng thấp còi ở các vùng miền khó khăn có thể cao gấp đôi so với vùng đồng bằng.
Thứ trưởng Bộ Y tế, Ông Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Suy dinh dưỡng vẫn còn là thách thức lớn của Việt Nam, đặc biệt ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Trong khi đó, chúng ta đang phải đối mặt với gia tăng của tình hình thừa cân - béo phì, nhất là ở vùng thành phố”. Còn ông Lê Danh Tuyên – Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng đánh giá, bức tranh dinh dưỡng Việt Nam đan xen giữa thừa và thiếu.
Tỷ lệ thừa cân/béo phì ở trẻ dưới năm tuổi là 5,6%, trong đó thành phố chiếm 5,7% và nông thôn là 4,2%. Tỷ lệ này đạt tới 12% đến 15% tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều đáng nói tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng. So với năm 2000, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ dưới năm tuổi hiện cao hơn sáu lần.
Một số liệu khác cũng đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị thiếu máu dinh dưỡng là 29,2%, ở phụ nữ là có thai là 36,5%% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ chung là 28,8% (Điều tra năm 2008). Thiếu vitamin A ở nước ta chủ yếu là thể tiền lâm sàng với tỷ lệ còn cao (14,2% ở trẻ em và vào khoảng 35% ở bà mẹ đang cho con bú).
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam
Ngày 22-2 vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 226/QĐ-Ttg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn năm 2030. Chiến lược này khẳng định nhiệm vụ cải thiện dinh dưỡng là trách nhiệm của các ngành, các cấp và mọi người dân.
PGS.TS Lê Thị Hợp – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, giảm suy dinh dưỡng thấp còi khó hơn rất nhiều so với giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Để giảm suy dinh dưỡng thấp còi và nâng cao tầm vóc của trẻ em Việt Nam đòi hỏi đầu tư, can thiệp đặc hiệu hơn.
TS Hợp cũng cho rằng trong giai đoạn tới song song với việc thực hiện các giải pháp, chương trình dự án nhằm giảm suy dinh dưỡng trẻ em, suy dinh dưỡng thấp còi, cải thiện thiếu vi chất dinh dưỡng, cần phải quan tâm đến các giải pháp khống chế gia tăng béo phì, góp phần hạn chết các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Quãng thời gian từ khi trong bụng mẹ đến hai tuổi là giai đoạn cửa sổ quan trọng bậc nhất để có các can thiệp phòng tránh trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Cũng như phòng tránh các ảnh hưởng khác của nó. “Chương trình tập trung một số can thiệp đặc hiệu như bổ sung đa vi chất dinh dưỡng và tăng cường dinh dưỡng sớm cho phụ nữ trước khi mang thai, cho phụ nữ lứa tuổi sinh để và chú trọng đến những vùng có suy dinh dưỡng thấp còi cao”, PGS.TS Lê Thị Hợp nêu giải pháp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến lại cho rằng: “Yếu tố then chốt không phải mang gạo, mang thịt, mang cá đến cho người ta mà quan trọng là bữa ăn hợp lý, cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu rau xanh, bao nhiêu thịt, bao nhiêu cá. Dạy cho người ta hiểu cách sử dụng, cách ăn, thời gian ăn, trong ngày ăn bao nhiêu bữa, bữa nào ăn chính, bữa nào ăn phụ”.
Theo Thứ trường, cần đánh giá đưa ra chiến lược giải pháp cho mỗi vùng miền. Chẳng hạn ở miền núi thường bị thiếu i-ot, vitamin A thì chúng ta bổ sung các vi chất vào thức ăn cho họ. Còn đối với các thành phố lớn, cần thường xuyên tuyên truyền cho bố mẹ, học sinh, chỉ ra những thức ăn có thể gây hại cho sức khỏe để tránh béo phì, vốn là nguy cơ mầm mống bệnh lý về tim mạch.
Cụ thể việc đưa ra chiến lược đối với mỗi vùng miền, địa phương, ông Rajen Kumar Sharma, Phó trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF tại Việt Nam phát biểu: “Các bản kế hoạch hành động của cấp tỉnh sẽ tiếp tục được xây dựng với ưu tiên hướng tới các địa phương khó khăn, khó tiếp cận. Các kế hoạch đó sẽ được triển khai rộng rãi tập trung vào những hoạt động can thiệp thiết yếu. Các can thiệp thiết yếu này cần được triển khai lồng ghép với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác trong hệ thống y tế sẵn có, cùng các hoạt động truyền thông tại cộng đồng. Một số hoạt động can thiệp đòi hỏi sự tiếp cận của các nhân viên y tế, cán bộ phụ nữ tuyến thôn ấp tới tận các gia đình”.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến cũng đưa ra kiến nghị, nên bổ sung kiến thức về dinh dưỡng cho lứa tuổi học sinh, có thể đưa vào những giờ ngoại khóa, vừa học vừa chơi. Trẻ hiểu trực tiếp về dinh dưỡng, về các nguy cơ sẽ rất có lợi cho sự phát triển của trẻ.
Nội dung cụ thể của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030 bao gồm sáu mục tiêu cụ thể: Tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân; Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em; cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng; Từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng người trưởng thành; Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý; Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.