Một thoáng Ba Rài
Ba Rài dài đến gần 25 cây số và có một lưu vực khá rộng thì đáng gọi là sông chứ không nên câu nệ theo nguyên tắc địa lý mà kêu bằng rạch cái. Thuở hồng hoang của Nam bộ, hình như Ba Rài được sinh ra từ sự ức chế của Đồng Tháp Mười, nơi mà mỗi năm đều có một trận lụt lút đầu người. Ở đó có một cái láng sâu và rộng như… biển, hiện đã không còn dấu vết và một cái tên mơ hồ rạch Cái Chuối. Với ước mơ vươn ra biển lớn, nó phải tìm nơi đất trũng, đất mềm để đào xói nên nó chạy vòng vèo, tạo thành những vịnh, những khúc quanh làm bực mình giới thương hồ thuở còn buông dầm cầm chèo với tiếng hô bát cạy.
Câu chuyện về xóm Bát tiên ở xã Tân Bình khiến phải lục tìm trong mớ giấy ố vàng rách nát rằng xưa ở đây có một Bát Tân cảng – tức cái bến đậu mới phía bên phải con sông. Giới thương hồ tính bát, cạy / phải, trái là tính từ vàm trở vô, chứ không tính từ ngọn từ nguồn. Cái tên Bát Tân cảng nghe như có một thời ven sông sung túc lắm.
Đầu thế kỷ 20, sông Ba Rài được dọn, được nắn cho bớt cong queo, rút ngắn khoảng cách của con đường thủy huyết mạch nối sông Tiền với kinh Thương Mại. Và trong suốt một phần ba thế kỷ, các chi lưu của nó với những cái tên chưa tìm lời giải thích căn cơ: Bà Xá, Nàng Rồng, Ông Bản, Ông Khậm, Bà Ụt, Cà Mau… Những thế hệ sống bên bờ vàm đâu có thời gian mà giải thích, còn bận đánh giặc giữ làng và đầu tắt mặt tối với cái ăn, cái mặc. Chiến thắng Tham Rôn thời Pháp, chiến thắng Ba Rài thời Mỹ…những trang giấy, rồi tượng đài giống như một lớp phấn son tô thêm, còn cái vẻ đẹp nội tại sâu lắng bên trong chỉ có những người năm xưa thổi tù và đóng đáy thay cho tiếng kèn xông trận, hay những thợ rèn rèn dây sắt “giựt tàu ông lớn” mới biết được.
*
Dấu ấn Ba Rài của một thời là con đường huyết mạch nằm ở vàm sông, nơi có hai làng mang chữ Sơn: Hội Sơn và Xuân Sơn. Cách đây 30 năm được nhập lại thành xã Hội Xuân. Hai làng nầy đã có lần xiêu tán – cũng vì chiến tranh, đó là cuộc chiến của Tây Sơn và quân Xiêm trong trận Rạch Gầm Xoài Mút. Dân bỏ làng đi đến cuối năm đó, 1785 ông Nguyễn Văn Cối mới chiêu lập lại xóm làng. Không có tài liệu nào ghi lại mức độ ác liệt của cuộc chiến hơn 200 năm trước. Người tái lập làng được ghi dấu bằng cái tên một con rạch – Rạch Ông Cối, nhưng lại nằm ở địa phận xã Phú An và Hiệp Đức, cách vàm Ba Rài khá xa, làm người đời sau liên tưởng ông Cối cũng không phải là dân cố cựu của Hội – Xuân, cho nên không chắc gì số dân xiêu tán trước đó lại trở về, họ đi….đi mãi như dòng sông mang ước vọng tìm ra biển lớn.
Một cái xã ít tiền nhưng giàu chợ, có tới 3 ngôi chợ. Chợ Ba Rài xưa nằm ở thôn Hội Sơn, do ông Nguyễn Văn Cối lập năm 1785. Chợ nằm tại vàm rạch Ba Rài. Nhờ bến nước thuận tiện nên chợ tồn tại và phát triển trong thời gian khá dài, tính đến nay gần 250 tuổi. Về sau, khi phương tiện giao thông đường bộ chiếm ưu thế, giao thông thủy hầu hết gắn động cơ, ngôi chợ vàm nầy mất vị thế dần và trở thành một dạng chợ “chồm hổm”. Chợ Tổng Ngọ ở thôn Xuân Sơn, cũng do ông Nguyễn Văn Cối lập cùng thời điểm, có tài liệu chợ nầy có lần tan rã hồi giữa thế kỷ XIX, có lẽ lúc thực dân Pháp dùng tàu chiến đánh vào vùng nầy, năm 1862. Nhiều ngôi chợ trong khu vực cũng tan rã theo. Có điều người đời nay vẫn chưa rõ vì sao có tên chợ Tổng Ngọ. Vì vậy người địa phương lấy tên Hội Xuân đặt cho tên chợ, vẫn tọa lạc tại nơi nó sinh ra: ấp Xuân Điền. Ở bên Xuân Kiểng có ngôi chợ Bà Gòn, tên của một nhân vật hình như có thế lực ở địa phương thời khai hoang lập ấp. Nghe nói còn ngôi mộ nằm ở xã Hiệp Đức.
Lan man một chút chuyện đời xưa để thấy những ngôi chợ nầy chỉ còn là dấu tích lịch sử văn hóa một thời. Và cũng để khẳng định rằng những ngôi chợ đầu vàm nầy 200 năm trước rõ ràng là nhộn nhịp vì nó nằm ngay cổng ngõ ra vào của con đường thủy huyết mạch thời thịnh của chuyện bán mua trên sông nước.
*
Một xã có tới ba ngôi chợ nhưng người địa phương lại than rằng sáng sớm không kịp đi chợ là không có gì ăn, bởi các ngôi chợ nầy chỉ nhóm chừng vài tiếng đồng hồ, mặt trời lên dài sào, chợ như sương tan sớm:
Buổi chợ đông con cá hồng anh chê lạt
Chợ tan rồi con tép bạc cũng phải mua.
Câu ca dao buồn của thời kinh tế tự túc tự cấp vẫn còn đeo đẳng, hiện hữu như mối lương duyên ngang trái lỡ thời, chấp nhận đẩy đưa thời cuộc.
Tháng 4 năm 1979, Hội Sơn và Xuân Sơn chính thức nhập lại lấy tên là Hội Xuân. Người ta giữ lại dấu ấn thôn xưa bằng cách giữ lại tên ấp: Hội Nhơn/Lễ/Nghĩa/Trí/Tín; Xuân Điền/Hòa/Quang/Kiểng/Sắc. Ba chục năm trôi qua, tưởng gom bếp ăn chung làm chung sẽ khá lên ai ngờ vẫn còn là một xã nghèo. Cam quít, bưởi bòng, sầu riêng…thứ gì cũng có, thêm lò sấy nhãn…giải quyết lao động nhàn rỗi, dư thừa. Cái thời những nhà vườn cứ hát mãi điệp khúc được mùa mất giá thì chuyện làm kinh tế vườn tựa như ngồi sòng bạc. Mà đất đai Hội Xuân đâu phải màu mỡ gì, nhưng cái tên Trảng Tranh, Gò Bói, Gò Tre, gò Dầu…đã nói lên điều đó.
Ba mươi năm, Hội Xuân hàng ngày, hàng giờ trở mình vùng vẫy thoát khỏi cái khái niệm xã vùng sâu. Xã bây giờ có tỉnh lộ đi qua, trải nhựa rộng, xe bon từ ngã tư Hưng Long lên mất chừng 5 phút. Cái tỉnh lộ nầy có từ thời mồ ma giặc Pháp, nay mới được khai thông, không chỉ cho Hội Xuân mà cho cả vùng. Trụ sở Ủy ban được dời lên xây bên đường tỉnh lộ nhưng nó vẫn có vẻ điều hiu vì thiếu… chợ. Cái chỗ xí nghiệp gạch ngói dòm còn buồn hơn bởi đã bỏ hoang từ lâu. Xã dự định xây ngôi chợ ở đây để gom đầu mối, nhưng xem chừng thói quen thời tự túc, tự cấp đã ăn vào tiềm thức của người dân khó mà dứt hẳn trong một sớm một chiều. Sợ giống như cái thời người ta dự định xây dựng nơi nầy thành một công trường sản xuất gạch ngói để cung cấp cho ngành xây dựng cả huyện, nhưng hiện chỉ còn vài lò nung theo thời vụ mà sản phẩm thì không thể cạnh tranh.
Hội Xuân với gần 1 vạn dân trên một diện tích quá hẹp và không màu mỡ lại không có vị trí đắc địa như nó từng có trong lịch sử nên phải loay hoay tìm hướng đi mới, không phải từ chợ, từ vườn theo kiểu cũ.
Người ta không thể ăn và sống hoài với cái tên: Điền – Hòa – Quang -Cảnh /Kiểng – Sắc của Xuân Sơn, nhưng có thể sống mãi với Nhơn – Lễ -Nghĩa -Trí – Tín của Hội Sơn. Giở báo Tuổi Trẻ thấy đăng câu chuyện cảm động về cậu học trò nghèo tên Dương ở ấp Hội Nghĩa, lận bánh tét, đạp xe đạp lên Sài Gòn ứng thí với ước mong vào đại học để đổi đời. Rồi nghe Chủ tịch xã Nguyễn Văn Lưu tâm sự: “Xã nghèo nhưng vẫn lo được tiền xe cho các em đi thi đại học, nhưng không hiểu vì sao lại sót em Dương nên tôi rất buồn”. Người đứng đầu xã biết địa phương mình nghèo nhưng không thể để thiếu cái tình, cụ thể là thiếu sự công bằng. Đó chỉ là cách đối nhơn xử thế. Về lâu dài có lẽ xem Hội Xuân còn bao nhiêu học trò như Dương, để như dòng nước Ba Rài hòa vào Cửu Long để tìm ra biển lớn và… để tính chuyện khai thông.
Nguồn Văn nghệ Tiền Giang
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.