Múa đề tài lịch sử: thời hoàng kim nay còn đâu?
Quá khứ – hiện tại: sự đối lập buồn
NSND Nguyễn Thị Hiển hồi tưởng lại những năm kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ – giai đoạn mà nghệ thuật múa Việt Nam phát triển rực rỡ nhất với nhiều thành tựu nhất: “Trong vòng 30 năm, hàng loạt tác phẩm kịch múa có giá trị về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạnh ra đời, gây tiếng vang trong nước và quốc tế, mà khó có thể liệt kê cho đủ. Ngọn lửa Hà Tĩnh do tập thể biên đạo múa Tổng cục Chính trị dàn dựng dưới sự chỉ đạo của chuyên gia Triều Tiên Kim Tế Hoàng; loạt vở kinh điển Bà mẹ miền Nam, Những ngày bão táp, Người con gái đất đỏ của Thái Ly; Huyền thoại mẹ, Huyền tích Trường Sơn của Công Nhạc; Bông lau trắng, Ngọn lửa của Ứng Duy Thịnh, Em – người phụ nữ Việt Nam của biên đạo người Mỹ Cheryl Stock…
“Chính sự bất động trong quản lý, kiểm duyệt và sáng tạo khiến thế hệ nghệ sỹ trẻ tránh đi, chỉ khai thác triệt để chức năng giải trí của múa mà xem nhẹ chức năng giáo dục. Lâu dần tạo thành một trào lưu múa giải trí như hiện nay” – NSND Lê Ngọc Cường (Ảnh minh họa)
Nhưng, gần 40 năm sau chiến tranh, những vở kịch như thế cứ bớt dần bớt dần rồi nhạt nhòa hẳn cùng với sự nhạt nhòa của múa”.
Tuy nhiên, lỗi không nằm ở các nghệ sỹ trẻ.
Trong các liên hoan, cuộc thi múa chuyên nghiệp, các biên đạo trẻ đã dàn dựng nhiều tác phẩm múa ngắn thành công lấy cảm hứng từ lịch sử và chiến tranh như Tổ 3 người, Đồng đội, Bóng hình tạc tựa núi sông, Đạp bằng sóng gió, Người mẹ Củ Chi… Tuy nhiên, sự thành công của những vở múa 5 phút chỉ gói gém trong khuôn khổ một cuộc thi, mà không có đời sống thực sau đó, không được công chúng biết đến.
Ngay cả khi một số nhóm múa trẻ nỗ lực bỏ tiền túi ra để dựng vở múa lịch sử như Chiến thắng mùa anh đào (nhóm nghệ sỹ Tuyết Minh), hay tìm kiếm sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như Chuyện tình thành cổ (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam), hay do đích thân Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đứng ra đầu tư như Ngọn lửa Hà Thành, thì tiếng vang vẫn không vượt ra ngoài khuôn khổ giới làm nghề. Khán giả đại chúng vẫn chỉ xôn xao với múa khi có Linh Nga.
Hãy từ bỏ định kiến
Có phải không có múa về lịch sử là vì công chúng hiện đại không thích xem? NSND Đặng Hùng khẳng định: đó là một nhận định hồ đồ.
Ông chia sẻ: “Đầu năm 2013, một em có chức vụ trong ngành múa đi tham quan và nghiên cứu múa tại Thái Lan về hào hứng kể rằng: “Em được xem một chương trình nghệ thuật về đề tài lịch sử với nội dung kết nối liên tục về sự ra đời, định hình, và phát triển các thời đại của đất nước Thái Lan, mà hoàn toàn bằng nghệ thuật múa dân tộc. Đó là một trong những chương trình được trình diễn nhiều nhất, ăn khách nhất”.
Bố của ngôi sao múa Linh Nga cho rằng: việc thiếu những tác phẩm múa hay về đề tài lịch sử trước hết là do những thiên kiến trong chính giới làm nghề.
“Có rất nhiều tác phẩm hay bị gạt bỏ oan ngay từ trứng nước vì không phù hợp với sở thích thiếu khách quan và nhiều tính cá nhân của người thẩm định. Với cùng một tác phẩm, có hội đồng chấm A, có hội đồng lại chỉ chấm C. Điểm cao thấp không phải vấn đề mà vấn đề là sự chênh lệch điểm quá lớn đó thể hiện trình độ và nhận thức ở các hội đồng nghệ thuật, về lâu dài mất đi phương hướng chuẩn, giá trị chuẩn.
Trong khi đó, theo NSND Đặng Hùng, việc sáng tác nghệ thuật nói chung và múa nói riêng về đề tài lịch sử rất cần sự xích lại gần nhau và sẵn sàng cởi mở của giới chuyên môn, để có một định hướng đúng đắn, phát huy tích cực năng lực của nghệ sỹ và tạo đòn bẩy cho tác phẩm ra đời.
Đồng quan điểm này, NSND Lê Ngọc Cường cho hay: “Trong suốt mấy chục năm qua, tồn tại quan điểm coi phương pháp sáng tác hiện thực XHCN là phương pháp duy nhất, tốt nhất, kết quả là làm nghèo nàn sự sáng tạo nghệ thuật.
Họ quan niệm tác phẩm nghệ thuật phải phản ánh được hiện thực như nó đang diễn ra và phải thể hiện được quy luật phát triển của xã hội mà quy luật ấy lại nằm trong định hướng chính trị của các nhà quản lý.
Và, do quan điểm nhận thức tư duy và trình độ của một bộ phận cán bộ quản lý nghệ thuật còn căng cứng, áp đặt đã làm hạn chế sức sáng tạo của nghệ sỹ bằng những đòi hỏi khắt khe và vô lối về tính chân thật trong tác phẩm về đề tài lịch sử”.
Ông Cường khẳng định: chính sự bất động trong quản lý, kiểm duyệt và sáng tạo khiến thế hệ nghệ sỹ trẻ tránh đi, chỉ khai thác triệt để chức năng giải trí của múa mà xem nhẹ chức năng giáo dục. Lâu dần tạo thành một trào lưu múa giải trí như hiện nay.
NSND Nguyễn Thị Hiển thì cho rằng: bên cạnh việc cởi mở trong quan điểm sáng tạo, múa về đề tài lịch sử còn cần đến những chính sách riêng, đặc biệt của nhà nước về đầu tư dựng vở, về quảng bá, lăng-xê, để những tác phẩm hay, những kịch bản nay không chỉ nằm trong giấy khen của mỗi kỳ mở trại sáng tác hay diễn một lần rồi cất kỹ trong kho./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.