Mưa lũ gây thiệt hại 608,44 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên
Mưa lũ tại miền Trung – Tây Nguyên tiếp tục gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân trên địa bàn. Trong đó, đáng kể đã có 15 người chết, 03 người mất tích, 14 người bị thương, 127.39 6 nhà bị sập, ngập và hư hỏng…
Báo cáo nhanh của Chi cục phòng chống thiên tai (PCTT) khu vực miền Trung – Tây Nguyên sáng 18/12 cho biết, số lượng người chết so với ngày 17/12 đã tăng thêm 6 người, nâng tổng số người bị thiệt mạng trong đợt mưa lũ từ 12/12 đến nay lên 15 người. Trong đó tại Thừa Thiên Huế là 03 người (tăng 01 người), Bình Định là 11 người (tăng 05 người), Khánh Hòa là 01 người. Về người mất tích, báo cáo trên cho biết, Bình Định có 02 người, Thừa Thiên Huế 01 người; người bị thương Quảng Nam 02 người, Quảng Ngãi 06 người, Phú Yên 06 người.
Về nông nghiệp, mưa lũ đã làm 12.140 ha lúa bị ngập, úng (Đà Nẵng: 181 ha, Quảng Nam: 531 ha, Quảng Ngãi: 26 ha, Bình Định: 5.847 ha, Phú Yên: 1.223 ha, Khánh Hòa: 2.050 ha, Ninh Thuận: 1.785 ha, Gia Lai: 498ha); 3.441 ha mạ (Thừa Thiên Huế: 3.000 ha, Quảng Nam: 33 ha, Gia Lai: 408 ha); 9.483 ha rau, hoa màu (Huế: 521 ha, Đà Nẵng: 182 ha, Quảng Nam: 3.770 ha, Quảng Ngãi: 948 ha, Bình Định: 1.732 ha, Phú Yên: 293ha, Ninh Thuận: 878 ha, Gia Lai: 1.160 ha); 526.500 chậu hoa, cây cảnh (Đà Nẵng: 226.500 chậu, Quảng Ngãi: 300.000 chậu) bị thiệt hại; 1.180 con gia súc, 60.860 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 59.238m3 đất đường giao thông Trung ương, 103.433m3 đất đường giao thông tỉnh, huyện, xã và 53.581m kênh mương, 6.495m kè, 31 đập bị sạt lở, hư hỏng.
Theo thống kê của các địa phương, tổng mức thiệt hại trong đợt mưa lũ này lên đến 608,44 tỷ đồng; trong đó Thừa Thiên Huế: 81 tỷ đồng, Đà Nẵng: 20 tỷ đồng, Phú Yên: 74 tỷ đồng, Khánh Hòa: 55,94 tỷ đồng, Ninh Thuận: 300 tỷ đồng, Gia Lai: 77,52 tỷ đồng (các tỉnh khác đang tiếp tục cập nhật).
Quân khu 5 điều động người và phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn
trong mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung bộ (Ảnh: Đình Tăng)
Trước mức thiệt hại trên, các địa phương đã báo và đề xuất Trung ương hỗ trợ để khắc phục. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 100 tấn lúa giống để gieo cấy vụ Đông xuân 2016-2017, 05 tấn rau, đậu các loại; 20 tấn Clorine để xử lý môi trường thủy sản, 20 nghìn lít hoá chất benkocid thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch cho thú y, 50 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng type O Atopor; 170 tỷ đồng giúp tỉnh khắc phục bước đầu về hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Với tỉnh Quảng Nam, đề xuất mức hỗ trợ trước mắt gồm: Mua giống cây trồng cấp cho địa phương phục vụ sản xuất 8,0 tỷ đồng; khắc phục hư hỏng công trình thủy lợi 20 tỷ đồng; 100 cơ số thuốc dự phòng, 02 tấn CloruaminB, 100.000 viên aquatab phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và khử trùng, xử lý môi trường vùng lũ.
Đối với tỉnh Quảng Ngãi, đề xuất hỗ trợ khẩn cấp: 07 tỷ đồng để mua khoảng 250 tấn giống lúa, 20 tấn giống rau các loại hỗ trợ nhân dân sản xuất vụ Đông Xuân 2016 – 2017; 1.500 tấn gạo; 05 tấn ClominB, 50.000 viên Aquatabs và 200 cơ số thuốc để khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng lũ; 250 tỷ đồng để sửa chữa, khôi phục các công trình thiết yếu bị hư hỏng phục vụ sản xuất và lưu thông trước Tết Nguyên Đán, các công trình cấp nước sinh hoạt; 20 tỷ đồng để thực hiện việc thu gom, dọn bèo, rác thải tại các công trình thủy lợi để tiêu úng, thoát lũ, đảm bảo an toàn công trình.
Với tỉnh Bình Định, đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 500 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ khôi phục hạ tầng giao thông là 180 tỷ đồng; hỗ trợ khôi phục hạ tầng thủy lợi, đê điều, nước sinh hoạt là 180 tỷ đồng; hỗ trợ đời sống dân sinh là 100 tỷ đồng; hỗ trợ giống lúa để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2016 – 2017 là 40 tỷ; hỗ trợ khẩn cấp 10 tấn lương khô cho nhân dân vùng ngập sâu.
Đối với Phú Yên, đề nghị hỗ trợ 1.100 tấn gạo cứu đói cho 11.200 hộ/33.600 nhân khẩu; 1.000 kg Cloramine B, 30.000 viên Aquatabs, 500 lít Permethrin, 10 máy phun ULV; 30 tấn thuốc sát trùng Sodium Clorite 20%, 30.000 lít thuốc sát trùng Iodine,30.000 liều Vắc xin lở mồm long móng 02 type O và A cho gia cầm, gia súc; 09 xuồng cao su gắn máy để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; 138 tỷ đồng để hỗ trợ dân sinh, khôi phục sản xuất, khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi; 33 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh.
Với tỉnh Khánh Hòa, đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 250 tấn gạo; 750 tấn giống lúa, 25 tấn giống ngô, 2 tấn giống rau màu với tổng kinh phí là 13 tỷ đồng; 5 tỷ đồng hỗ trợ thuốc khử khuẩn, làm sạch nước (gồm 50.000 viên viên sát khuẩn Aquatabs 67mg/viên, 1000 kg Cloramin B, 50 tấn thuốc sát trùng Thủy sản Chloramin, 20 tấn thuốc sát trùng trên cạn Hanlodine); 77 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình hư hỏng do mưa lũ; 1500 phao áo cứu sinh, 1000 phao tròn cứu sinh, 500 phao bè cứu sinh với kinh phí đề nghị hỗ trợ là 4,0 tỷ đồng.
Trong khi đó, tỉnh Ninh Thuận đề nghị hỗ trợ 74,3 tỷ đồng, trong đó: hỗ trợ giống lúa 2,6 tỷ đồng; hỗ trợ giống bắp 0,7 tỷ đồng; hỗ trợ giống cây trồng khác 1 tỷ đồng; 08 xuồng ST 660CV, 6.000 áo pháo các loại; 30 tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở bờ Sông Dinh (xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước), 5 tỷ đồng kè bảo vệ hạ lưu cầu Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước), 5 tỷ đồng kè chống sạt lở suối Bà Râu (huyện Thuận Bắc), 5 tỷ đồng sửa chữa tuyến đường Ninh Bình – Phước Bình, 20 tỷ đồng sửa chữa tuyến đường ven biển, 5 tỷ đồng tuyến đường giao thông nông thôn do mưa lũ gây hư hỏng./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.