Mưa lũ tiếp tục hoành hành và đe dọa Trung Âu

       Tính đến ngày 4/6, mưa lớn gây lũ lụt tiếp tục hoành hành các nước Trung Âu. Có ít nhất 8 người đã thiệt mạng và 9 người vẫn còn mất tích do lũ lụt tại Đức, Áo, Thụy Sỹ và Cộng hòa Séc.

Tại Prague – thủ đô Cộng hòa Séc, sông Vitava đã bị vỡ bờ và gây ngập lụt tại nhiều khu vực của thành phố. Giới chức nước này đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Đây được coi là trận lũ tồi tệ nhất trong thập kỷ qua tại nước này.

 

 Thủ đô Prague của Séc đang phải đối mặt với trận lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn thập kỷ qua
(Ảnh: EPA)

Các điểm nóng du lịch như cầu Charles thường tấp nập khách tham quan nay cũng đã phải đóng cửa vì mưa lũ. Hệ thống xe điện ngầm đã phải ngừng hoạt động.

Hơn 7000 người dân đã phải đi sơ tán để tránh lũ. Sở thú Prague cũng phải đi sơ tán. Những nỗ lực đang được tiếp tục tại Séc nhằm ngăn không cho nước sông dâng cao, tràn vào khu vực trung tâm lịch sử của thủ đô. Năm 2002, thủ đô Prague cũng phải đối mặt với trận lụt lớn tương tự.

Thị trấn Passau ở đông nam nước Đức là khu vực dễ bị tổn thương bởi là nơi gặp gỡ của ba con sông. Mực nước ở các con sông này đang ở mức cao nhất trong vòng 70 năm qua và có thể còn cao hơn nữa. Nước lũ cũng đã làm ngập một phần của đường cao tốc nối thành phố Munich của Đức với thành phố Salzburg của Áo. Mực nước tại các con sông Danube và Rhine hiện đang ở mức cao khiến các hoạt động vận tải bằng đường thủy trên các con sông này phải dừng lại để đảm bảo an toàn.

 

 Nước lũ tấn công nhiều khu vực ở đông nam nước Đức (Ảnh: Getty Images)

Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trên toàn tiểu bang Bavaria. Thủ tướng Đức Angela Merkel có kế hoạch đến thăm khu vực này trong ngày 4/6. Lực lượng quân đội Đức đã cử 1.760 binh lính để giúp đỡ chính quyền địa phương và các tình nguyện viên tăng cường công tác phòng vệ lũ lụt, đặc biệt là ở các khu vực đông nam đất nước.

Tại Áo, một công nhân dọn dẹp đã thiệt mạng do lở đất và hai người khác bị mất tích do bị cuốn vào dòng nước chảy xiết. Lở đất cũng đã khiến khoảng hơn 300 người phải di dời khỏi nhà trong khi lực lượng quân đội và chính quyền dân sự dọn dẹp bùn đất và nối lại hoạt động giao thông.

 

                             Dòng nước lũ xối xả ở Áo (Ảnh: Telegraph)

Một số nước khác dọc theo sông Danube như Slovakia, Hunggary cũng đang khẩn trương với công tác phòng đê ngăn lũ do lo ngại mực nước của con sông này tiếp tục dâng cao sẽ tràn vào. Cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia Hungary lo ngại rằng mực nước của sông Danube có thể vượt mức kỷ lục của năm 2002. Năm 2002, châu Âu đã phải đối mặt với trận lũ lụt lịch sử làm 17 người thiệt mạng và thiệt hại do lũ lụt gây ra lên tới trên 20 tỷ euro./.