Mưa nhiều kết hợp với triều cường gây ngập úng khóm ở huyện Tân Phước.
( THTG) Mấy ngày qua, do mưa nhiều kết hợp với triều cường, nên đã gây tình trạng ngập úng một số diện tích khóm của huyện Tân Phước.
Đây là vấn đề không phải không có hướng giải quyết để tránh gây thiệt hại diện tích khóm bị ngập này. Tuy nhiên việc chưa tìm được tiếng nói chung giữa nông dân trồng khóm, chính quyền địa phương và ngành điện nên không thực hiện được việc bơm tát để cứu khóm.
Bà Lê Thị Ba, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Hòa Thành sống trong tâm trạng lo âu, bởi vì gần 2 ha khóm đã bị ngập úng, trong đó có hơn 50% khóm chuẩn bị thu hoạch và một số diện tích khóm con vừa mới đặt trồng khoảng nửa tháng nay. Với tình trạng ngập úng này, thì ruộng khóm của bà bị thiệt hại trên 60%. Không chỉ riêng gì bà Ba mà nhiều hộ dân khác trong ấp cũng bị tình trạng này.Theo thống kê hiện có 555 ha khóm ở Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước đang bị ngập úng và đang có nguy cơ bị thiệt hại 100%.
Từ trước nay, đối với diện tích khóm nằm trong khu đê bao như ở xã Tân Hòa Thành, để chủ động phòng chống ảnh hưởng của lũ, huyện Tân Phước đã bố trí các trạm bơm từ nguồn kinh phí đối ứng. Nông dân có nghĩa vụ phải đóng chi phí tiền điện chống úng. Hiện Tân Hòa Thành có 2 trạm bơm, với 6 máy bơm, tuy nhiên, vào thời điểm nguy cấp để các máy bơm phải hoạt động hết công suất cứu khóm thì chỉ có 2 máy chuẩn bị vận hành bơm tát, 4 máy còn lại không hoạt động, với lý do thiếu kinh phí. Tình trạng nông dân có người đóng tiền có người không nên xã không đủ tiền đối ứng cho ngành điện nên điện lực không mở nguồn cho các trạm bơm hoạt động là nguyên nhân chính để diện tích khóm ngập úng kéo dài.
UBND xã Tân Hòa Thành đã có chủ trương cho việc chống ngập úng, thế nhưng số tiền đóng góp từ dân chỉ có 3 triệu đồng, trong khi ngành điện lực đề ra chi tiêu là trên 30 triệu đồng.
Chuyện xử lý khóm ngập úng ở Tân Hòa Thành cho thấy đã không phát huy tối đa phương châm “bốn tại chỗ” theo chủ trương chung của tỉnh TG. Thực tế trên cho thấy, rất cần tiếng nói chung của chính quyền địa phương, ngành điện lực và nông dân để giải quyết tình trạng này. Nhưng trên hết là các hộ trồng khóm phải thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc chủ động phòng chống ngập úng, tránh nguy cơ mất trắng diện tích khóm có thể xảy ra.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.