Mưa to, lũ ống làm 2 người bị vùi lấp, 1 nhà máy điện tê liệt
Mưa to tại tỉnh Hà Giang sáng 21-7 đã gây thiệt hại cho nhiều hộ dân và các công trình phúc lợi.
Mưa to kéo dài khiến nhiều khu vực trũng thấp không kịp thoát nước gây ngập úng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều người dân, nhất là khu vực TP Hà Giang.
Có những điểm bị ngập sâu đến 1m, nhiều đất đá cùng nước tràn vào nhà, nhiều hộ dân không kịp di dời tài sản, nhiều tuyến đường huyết mạch đã bị sạt lở và ngập cục bộ.
Thậm chí, mưa to, lũ ống xuất hiện đã làm hư hỏng nhiều công trình trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đặc biệt là nhà máy thủy điện Thái An ở huyện Quản Bạ bị tê liệt hoàn toàn phải ngừng hoạt động.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tình hình thiệt hại do mưa lớn từ ngày 20 đến sáng nay 21-7 tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng đã làm 2 người bị vùi lấp (tại xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì – Hà Giang) và 1 người bị thương do bị đá lở (Cao Bằng).
Những thiệt hại về vật chất, cơ sở hạ tầng… hiện đang được các địa phương thống kê, khắc phục.
Trong công điện phát đi lúc trưa nay 21-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết như sau:
“Hiện nay, khu vực miền núi phía Bắc đang có mưa to đến rất to, đặc biệt tại Hà Giang mưa tới 350mm trong 10 giờ qua, làm 2 người chết, ngập sâu nhiều nơi tại TP Hà Giang”.
Trong khi cơ quan dự báo thời tiết quốc gia cho biết, trong ngày 21 và 22, vùng núi phía Bắc tiếp tục có mưa 50-100mm, có nơi trên 150mm; lũ thượng lưu sông Lô có khả năng đạt mức BĐ2-BĐ3, hạ lưu gần mức BĐ1. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Công thương chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, không để xảy ra các sự cố gây thiệt hại về người.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; không cho phép tích nước nếu hồ đập không đảm bảo an toàn.
Bộ Giao thông Vân tải chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa lũ lớn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các quân khu, các lực lượng đóng chân trên địa bàn rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương khi có yêu cầu.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.