Mười sự kiện văn hóa năm 2013

Các thí sinh trình diễn phần thi áo dài tại đêm chung kết Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2013.
Các thí sinh trình diễn phần thi áo dài tại đêm chung kết Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2013.

1- Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật T.Ư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hội văn học – nghệ thuật chuyên ngành, trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức với nhiều hội nghị, hội thảo trong cả nước.

Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, các nhà quản lý, nghiên cứu trên các lĩnh vực đều khẳng định: Nghị quyết đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy cách mạng của Ðảng ta trong thời kỳ đổi mới với việc đánh giá cao vai trò, sứ mệnh cao cả của văn hóa, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và các mặt của đất nước. Ðây cũng là dịp nhìn lại các mặt đã làm được và chưa làm được để điều chỉnh chính sách phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật cho phù hợp thực tiễn.

2- Các hoạt động kỷ niệm 70 năm tác phẩm Nhật ký trong tù được tổ chức trong cả nước. Ðây là tác phẩm gồm 133 bài thơ viết bằng chữ Hán, theo thể tứ tuyệt (bốn câu) được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian hoạt động cách mạng và bị chính quyền phản động Quốc dân đảng Trung Quốc giam giữ năm 1942-1943. Nhật ký trong tù là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện khát vọng tự do, tinh thần và ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Tác phẩm không chỉ được phổ biến trong nước mà còn được đánh giá cao và giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới. 70 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị của Nhật ký trong tù vẫn bền vững và ngày càng tỏa sáng, đòi hỏi những nỗ lực nghiên cứu mới để làm nổi bật hơn nữa tầm vóc của một tác phẩm hàng đầu trong thơ ca Việt Nam thời kỳ hiện đại.

3- Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ hai – năm 2013 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 12 với sự tham gia của 225 đại biểu đại diện cho các gia đình văn hóa tiêu biểu và 58 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình trong cả nước. Ðây là sự kiện nổi bật của Năm gia đình Việt Nam 2013 có chủ đề “Kết nối yêu thương” nhằm tôn vinh những thành quả đã đạt được của phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; giao lưu, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và qua đó tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào.

4- Ðàn ca tài tử Nam Bộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ tám của UNESCO ngày 5-12. Là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất phương nam, đàn ca tài tử Nam Bộ đã có bề dày hơn 100 năm hình thành, đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO bởi được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía nam, đồng thời liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc. Di sản Ðàn ca tài tử đã được Viện Âm nhạc Việt Nam kiểm kê từ năm 2010 với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; năm 2012 được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

5- Nghị quyết vinh danh Ðại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam và các danh nhân văn hóa khác của thế giới có tầm ảnh hưởng thế giới và khu vực đã được biểu quyết tại kỳ họp Ðại hội đồng lần thứ 37 của UNESCO ngày 25-10. Ðây là một vinh dự lớn bởi theo nghị quyết này, nhiều hoạt động vinh danh Ðại thi hào của Việt Nam sẽ được tổ chức ở các nước trong hai năm 2014 và 2015 nhân dịp kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của ông. Bên cạnh tác phẩm Truyện Kiều đã được dịch ra 20 ngôn ngữ trên thế giới, Nguyễn Du còn sáng tác nhiều tác phẩm văn thơ xuất sắc có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao như: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục,… cho thấy sức lao động nghệ thuật bền bỉ, sáng tạo cùng tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của ông.

6- Quần thể chùa Khmer Nam Bộ được khánh thành tại Thủ đô Hà Nội. Quần thể chùa nằm trong Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ðồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) và được xây dựng dựa theo nguyên mẫu ngôi chùa K’Leang ở tỉnh Sóc Trăng trên diện tích khoảng 0,8 ha. Công trình được các nghệ nhân Khmer xây dựng trong ba năm qua, bao gồm: chính điện, am thờ, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, sa la, cột cờ và ao sen, liên thông với nhau qua một hệ thống hành lang lát đá với thiết kế và trang trí mang đậm bản sắc văn hóa và tín ngưỡng dân tộc Khmer. Ngôi chùa khánh thành và đón khách đúng vào dịp tổ chức Tuần lễ “Ðại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam năm 2013” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc gồm 400 người đến từ 13 tỉnh, thành phố trong cả nước.

7- Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2013 do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức, với sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) đầu tháng 12 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Sau bốn tháng phát động, Ban tổ chức nhận được 15.360 tác phẩm của gần 1.430 tác giả từ 51 quốc gia, vùng lãnh thổ gửi dự thi. Có 48 tác phẩm ảnh xuất sắc ở các nội dung đã được trao giải thưởng, trong đó có 24 tác phẩm là của các nghệ sĩ Việt Nam với tác phẩm đoạt Huy chương vàng FIAP Em bé Cơ-tu của Ðặng Văn Nở và hai tác phẩm đoạt Huy chương vàng VAPA: Ðồng Kỵ lễ hội quê tôi của Nguyễn Á và Bắt cá dưới mưa của Ngô Thanh Bình. Ban tổ chức đã chọn 250 tác phẩm để trưng bày triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước. Cuộc thi và triển lãm này không những mang ý nghĩa giao lưu, nghệ thuật mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nền văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

8- Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2013 được tổ chức tại TP Hội An với việc đăng quang ngôi Hoa hậu của người đẹp dân tộc Kinh đến từ Thanh Hóa Nguyễn Thị Ngọc Anh. Sự kiện này đã thu hút hơn một nghìn thí sinh của các dân tộc trong cả nước đăng ký dự thi với ba vòng tuyển chọn, góp phần tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, tôn vinh vẻ đẹp và khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội. Ðây là một trong những điểm nhấn của chương trình Festival Di sản Quảng Nam 2013 diễn ra từ ngày 21 đến 26-6 với nhiều hoạt động tại TP Hội An, khu di tích Mỹ Sơn và nhiều địa phương khác trong tỉnh như: triển lãm “Không gian di sản văn hóa ASEAN”, Hội thi hợp xướng quốc tế lần thứ ba tại Việt Nam, Liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam tại TP Tam Kỳ, Ngày hội văn hóa Chăm tại Mỹ Sơn, chương trình tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20.

9- NSND Ðặng Thái Sơn biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trong chương trình Ðặng Thái Sơn trong âm thanh mới thế kỷ 20. Trong chương trình này, lần đầu, nghệ sĩ pi-a-nô tài năng của thế giới đã trình bày các bản nhạc của hai nhà soạn nhạc tài danh của Pháp đầu thế kỷ 20 và tác phẩm âm nhạc dành cho pi-a-nô của hai nhạc sĩ Việt Nam là Ðỗ Hồng Quân với bản Người đi đâu và Ðặng Hữu Phúc với bản Chùm hoa Việt Nam. Ðây là hai tác phẩm đáp ứng được chất lượng kỹ thuật sáng tác hiện đại và mang bản sắc riêng độc đáo của Việt Nam qua chất liệu dân ca dân gian và quan họ. Cũng trong chương trình này, lần đầu, NSND Ðặng Thái Sơn đã song tấu cùng nghệ sĩ trẻ Lưu Hồng Quang với mong muốn giới thiệu một thế hệ nghệ sĩ pi-a-nô trẻ tài năng của Việt Nam.

10- Triển lãm 10 năm điêu khắc Việt Nam 2003-2013 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Hà Nội phối hợp tổ chức nhằm tổng kết và giới thiệu sự sáng tạo, phát triển của nghệ thuật điêu khắc nước nhà trong mười năm qua. Có 286 tác phẩm của 230 tác giả cả nước trưng bày, trong đó có 21 tác phẩm được trao giải thưởng. Triển lãm đánh dấu sự trưởng thành của một đội ngũ sáng tác trẻ với những tư duy sáng tạo mới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và xu hướng toàn cầu hóa biểu hiện sinh động qua những đề tài mang hơi thở cuộc sống hiện đại.

Nguồn nhân dân