Mỹ đang mạo hiểm hơn với Nga và 2 kịch bản khiến xung đột Ukraine leo thang
Mỹ đang mạo hiểm hơn với Nga?
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Biden đã từng bước chấp nhận những rủi ro lớn hơn để hỗ trợ cho Kiev. Mới đây nhất là quyết định của Nhà Trắng khi cho phép các lực lượng của Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công vào trong lãnh thổ Nga. Thậm chí một số nhà quan sát cho rằng có thể các chuyên gia quân sự của NATO sẽ sớm có mặt trên thực địa ở Ukraine để huấn luyện cho các binh lính.
Cách đây 6 tháng, các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn chưa sẵn sàng thảo luận về những thay đổi trên, hoặc ít nhất là không công khai. Tuy nhiên, những thành quả trên chiến trường gần đây của Nga và việc phương Tây có thái độ cứng rắn với Tổng thống Vladimir Putin đã bắt đầu xóa mờ những lằn ranh đỏ đó.
Sau khi cuộc phản công của Ukraine vào cuối năm ngoái không đạt được thành quả như kỳ vọng, các lực lượng của Nga bắt đầu tiến công dọc tiền tuyến và một lần nữa đe dọa Kharkov – thành phố lớn thứ hai Ukraine. Bởi vì thành phố này cách biên giới Nga chỉ khoảng 32km nên nhiều vũ khí được sử dụng để nhắm vào nó có thể phóng từ trong lãnh thổ Nga.
Việc bảo vệ Kharkov trong thời gian dài là bất khả thi nếu không đáp trả các mục tiêu bên kia biên giới. Nỗi bất an về những bước tiến xa hơn của Nga vào mùa hè đã khiến các nhà lãnh đạo phương Tây lo ngại Ukraine có thể thua trong cuộc xung đột này nếu họ không hành động nhanh chóng và quyết đoán.
Giới quan sát nhận định, Tổng thống Biden dường như đã cho rằng hầu hết những cảnh báo đáp trả của Tổng thống Putin là không đáng tin. Theo đó, sau nhiều lần đe dọa hành động chống lại các nước NATO nhằm phản ứng trước các động thái gây hấn và thậm chí cảnh báo Nga có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, Moscow không có vẻ gì sẽ thực hiện những hành động có thể khiến xung đột lan rộng. Theo Time, điều này có lẽ một phần là bởi Washington đã vạch ra những lằn ranh đỏ của mình với Moscow.
“Mỹ đã nói với Nga rằng nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân, kể cả khi không khiến ai thiệt mạng thì chúng tôi sẽ tấn công tất cả mục tiêu của họ ở Ukraine bằng các vũ khí theo quy ước, chúng tôi sẽ phá hủy tất cả”, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng trước.
Tổng thống Biden đang mạo hiểm hơn với Nga bởi ông muốn tránh suy nghĩ rằng ông hành động không mạnh mẽ bằng các đồng minh châu Âu. Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều thể hiện lập trường cởi mở đối với việc Ukraine tấn công vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Đan Mạch cho biết, nước này sẽ cung cấp tiêm kích F-16 mà Ukraine có thể sử dụng xuyên biên giới. Cuối cùng, suốt 27 tháng giao tranh, các nhà quan sát phương Tây cho rằng không có sự leo thang nguy hiểm thực sự nào dẫn tới một cuộc xung đột mà khiến NATO và Nga đối đầu trực tiếp.
Một số người đang mong đợi tin tốt cho Ukraine từ Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng tới ở Washington với một thỏa thuận an ninh giữa phương Tây và Kiev. Trong khi đây không phải kiểu cam kết phòng thủ như với một thành viên NATO thì có thể nó sẽ tái khẳng định cam kết dài hạn với Ukraine và hợp thức hóa quy trình tăng cường vũ khí cũng như thông qua các gói hỗ trợ khác.
Dù vậy, một số nhà quan sát khác thì cho rằng rủi ro xung đột giữa Nga với NATO ngày càng gia tăng bởi Tổng thống Putin sẽ không ngồi yên khi những cảnh báo của ông bị phớt lờ. Moscow sẽ không tiến hành tấn công vào một nước NATO nhưng sẽ tìm những cách khác để gây khó cho phương Tây.
Có một rủi ro rõ ràng khi Ukraine sử dụng các vũ khí phương Tây trong các cuộc tấn công dù là tình cờ hay có chủ ý nhắm vào dân thường Nga. Hoặc các cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine khiến các chuyên gia quân sự NATO thiệt mạng. Cả hai kịch bản này đều có thể khiến căng thẳng leo thang.
Bên trong tình trạng bế tắc trên chiến trường Ukraine có thể đang âm ỉ những mối nguy hiểm làm gia tăng rủi ro không lường trước cho cuộc xung đột này.
Cảnh báo của Tổng thống Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một loạt cảnh báo mới, cho biết ông có thể cung cấp vũ khí cho các nước tấn công vào những mục tiêu của phương Tây và đưa ra những cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố của Tổng thống Putin – sự phản ứng trước quyết định của Mỹ và châu Âu về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ tấn công vào lãnh thổ Nga, là lời cảnh báo mới nhất của Điện Kremlin trước sự ủng hộ ngày càng lớn của phương Tây cho Kiev. Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định Washington và các đối tác đã sai lầm khi cho rằng ông sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Nếu ai đó nghĩ rằng có thể cung cấp những vũ khí như vậy tới vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ và gây ra vấn đề của chúng tôi thì tại sao chúng tôi lại không có quyền cung cấp vũ khí cùng chủng loại tới những khu vực trên thế giới mà các cuộc tấn công được thực hiện nhằm vào những mục tiêu nhạy cảm của các quốc gia đang thực hiện điều này với Nga”, Tổng thống Putin nói.
Hiện chưa rõ những khu vực trên thế giới mà Tổng thống Putin sẽ cung cấp tên lửa là ở đâu. Ngày 6/6, Người phát ngôn ĐIện Kremlin Dmitry Peskov từ chối nêu tên khu vực mà Tổng thống Putin đề cập. Tuần trước, nhà lãnh đạo Nga cảnh báo các nước NATO ở châu Âu rằng động thái cho phép Ukraine tấn công vào Nga bằng vũ khí của họ là đang đùa với lửa và có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột trên toàn cầu.
Tổng thống Putin cũng một lần nữa cảnh báo phương Tây đừng cho rằng Nga không dám dùng vũ khí hạt nhân.
“Vì lý do nào đó, phương Tây tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng thứ vũ khí này. Chúng tôi có một học thuyết hạt nhân. Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi sẽ coi bản thân được phép sử dụng tất cả phương tiện có trong tay. Đừng coi thường việc này, một cách hời hợt”, Tổng thống Putin cảnh báo.
Nguồn vov
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.