Mỹ dọa áp thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc: Thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á đỏ sàn
Nhà đầu tư lo lắng trước những diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc
Nhà đầu tư lo lắng
Hãng tin Bloomberg cho biết, các công ty có thời hạn đến ngày 6-9 để gửi đề xuất về hàng hóa được áp thuế. Sau thời hạn này, Tổng thống Donald Trump có kế hoạch áp đặt thuế mới với hàng hóa Trung Quốc. Thông tin được đưa ra sau khi đối thoại về thương mại giữa các quan chức Mỹ – Trung Quốc tuần trước kết thúc không mang lại kết quả.
Phản ứng trước thông tin này, 3 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm điểm, trong đó S&P 500 và Nasdaq đánh dấu chuỗi giảm điểm 4 ngày liên tiếp. Trong khi đó, tại thị trường chứng khoán châu Á, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,2%, Hang Seng (Hong Kong) giảm 1,5%, Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,9%… Ray Attrill, người phụ trách chiến lược ngoại hối của Ngân hàng quốc gia Australia, nhận định tình hình thương mại Mỹ – Trung Quốc sẽ quyết định hướng đi của thị trường chứng khoán trong tháng 9. Việc các thị trường chứng khoán sụt giảm phản ánh tâm lý lo lắng của nhà đầu tư trước những diễn biến mới của cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Thêm vào đó, việc Tổng thống Donald Trump ngày 30-8 đe dọa sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khiến các nhà đầu tư càng quan ngại. Ông Donald Trump cho rằng Mỹ bị đối xử không công bằng trong thương mại quốc tế, chỉ trích WTO đã để điều này xảy ra và nếu cơ quan này không có sự điều chỉnh, Mỹ sẽ rút khỏi tổ chức này. Theo giới quan sát, nếu Mỹ rút khỏi WTO sẽ hủy hoại một trong những nền tảng của hệ thống thương mại toàn cầu mà Mỹ đã góp công tạo ra.
Hiệu ứng boomerang
Sau thông tin Mỹ có thể tiếp tục áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31-8 cho rằng, việc gây sức ép đối với Bắc Kinh về thương mại sẽ không có tác dụng.
Trong khi đó, giới quan sát thì cho rằng trên thực tế, các doanh nghiệp Mỹ là những nạn nhân đầu tiên của chính sách áp thuế nhập khẩu nhôm, thép của Chính phủ Mỹ. Nghiên cứu của ngân hàng Goldman Sachs cho thấy, nhiều lĩnh vực kinh tế Mỹ bắt đầu thấm mệt. Báo cáo kết quả hoạt động hàng quý của các tập đoàn như hãng sản xuất xe hơi Ford hay General Motors (GM), tập đoàn sản xuất thiết bị điện gia dụng Whirpool và kể cả hãng nước ngọt nổi tiếng Coca Cola, đều cho thấy họ đang phải hứng chịu hậu quả của chiến tranh thương mại do Nhà Trắng khởi sự. Hãng xe Ford thẩm định, phí tổn của tập đoàn này tăng thêm 145 triệu USD trong quý 2 vừa qua và có thể khoản phụ trội đó còn tăng thêm 600 triệu USD trong quý 3. Với GM, thiệt hại lên tới 1 tỷ USD cho cả năm 2018.
Khi Trung Quốc phản công, đánh thuế vào hàng Mỹ, hãng xe Ford càng lo lắng hơn do tập đoàn này đã bắt rễ vào thị trường đông dân nhất hành tinh. Trong trường hợp của GM, một số các kiểu xe của hãng này được sản xuất ngay tại Trung Quốc, Mexico và tập đoàn này sẽ “lãnh đủ” nếu ông Donald Trump đi đến cùng quyết định đánh thuế xe hơi… Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, Mỹ tăng hàng rào thuế quan 10%, lợi nhuận của 500 tập đoàn lớn nhất của Mỹ sẽ giảm 15%.
Không chỉ có lĩnh vực sản xuất hứng chịu hiệu ứng boomerang, ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng bị vạ lây. CEO của hãng nước ngọt Coca Cola James Quincey thừa nhận đã phải tăng giá mỗi lon Coca do giá nhôm và thép đắt hơn so với trước. Một sự kiện hãn hữu, vì ít khi nào hãng nước ngọt này tăng giá giữa năm. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas Donohue nhấn mạnh, các hàng rào thuế quan ảnh hướng lớn đến doanh nghiệp, tầng lớp công nhân, nông dân và người tiêu dùng Mỹ. Nhiều thị trường đóng cửa với hàng sản xuất tại Mỹ. Cùng lúc, hàng Mỹ tăng giá làm sụt giảm mãi lực của các hộ gia đình. Các đòn ăn miếng trả miếng trong một cuộc chiến thương mại leo thang đã đánh vào thị trường lao động, làm suy yếu tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.