Mỹ ra đòn ngoại giao mạnh mẽ về biển Đông
Việc Mỹ bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông được xem là “đòn ngoại giao” mạnh mẽ chưa từng có
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định những nỗ lực của Washington nhằm gieo rắc bất hòa giữa Bắc Kinh và các quốc gia Đông Nam Á sẽ thất bại, đồng thời cáo buộc những tuyên bố của ông Pompeo là “vô lý”. Trước đó, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho rằng Mỹ không phải là một quốc gia liên quan trực tiếp đến các tranh chấp trên biển Đông nhưng liên tục can thiệp với lý do duy trì sự ổn định khu vực.
Phản ứng sau khi lập trường về biển Đông của Mỹ được công bố, Bộ Quốc phòng Philippines hôm 14-7 tuyên bố đồng ý mạnh mẽ với Mỹ rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật quốc tế ở biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thúc giục chính phủ Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) hồi năm 2016, trong đó khẳng định cái gọi là “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra là không có cơ sở pháp lý. Ông Lorenzana cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã tham gia ký kết.
Các tàu của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản JS Kashima và JS Shimayuki diễn tập với tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ ở biển Đông hồi đầu tháng 7 Ảnh: Reuters
Tuy hoài nghi liệu Mỹ sẽ có hành động nào đáng kể tiếp sau nhưng chuyên gia này cho rằng các lực lượng của Mỹ giờ đã có thể dễ dàng hỗ trợ các nước đồng minh hoặc đối tác trong khu vực nếu họ bị Trung Quốc thách thức ở vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp trên biển Đông.
Ông Murray Hiebert, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Công ty BowerGroupAsia (Mỹ), hôm 14-7 cho rằng: “Nhiều tuyên bố của Mỹ được đưa ra là chưa từng có và mạnh mẽ hơn so với trước đây”. Chuyên gia này nhận định những tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo sẽ có “trọng lượng hơn” nếu Mỹ tham vấn với các nước ở khu vực Đông Nam Á.
Ông Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, đánh giá tuyên bố của ông Pompeo là quan trọng nhưng cần có hành động thêm nữa để ngăn chặn các kế hoạch bành trướng của Trung Quốc.
Theo tờ USA Today (Mỹ), ông Poling chia sẻ trên mạng Twitter: “Đây mới chỉ là bước đầu tiên trong chiến dịch dài hạn hơn nhằm nêu bật hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc và hỗ trợ các đối tác của Mỹ”. Nhận xét động thái hôm 13-7 của Mỹ có ý nghĩa quan trọng, ông Poling cho rằng tình hình sẽ phụ thuộc phần lớn vào những động thái sau tuyên bố của Washington nhưng gọi đó là “một đòn ngoại giao lớn” của Mỹ.
Đồng quan điểm, bà Bonnie S. Glaser, cố vấn chính sách cấp cao tại CSIS, đánh giá chính sách của Mỹ về biển Đông nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý để phản bác các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại vùng biển này. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), bà Kelsey Broderick, chuyên gia phân tích tình hình châu Á của tổ chức Eurasia Group (Mỹ), nhận định động thái mới của Mỹ có thể kéo theo những hành động “ăn miếng, trả miếng” của Trung Quốc.
Chuyên gia này cho rằng đòn trả đũa tiềm năng mà Trung Quốc có thể cân nhắc là ngang ngược thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.
4 điểm nhấn trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ
1. Trung Quốc đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho cái gọi là “đường chín đoạn” ở biển Đông kể từ năm 2009.
2. Công khai ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đối với vụ kiện do Philippines khởi xướng.
3. Bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài khu vực 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
4. Bác yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam, cụm bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và đảo Natuna Besar ngoài khơi Indonesia. Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối việc đánh cá và phát triển của các bên khác ở những vùng biển này hoặc đơn phương thực hiện các hành động đó là phi pháp.
Sách trắng quốc phòng Nhật Bản được chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe thông qua hôm 14-7 đã cáo buộc Trung Quốc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới.
“Trung Quốc tiếp tục tìm cách thay đổi hiện trạng biển Hoa Đông và biển Đông” – Sách trắng nêu rõ. Cũng theo văn kiện này, Tokyo chỉ trích Bắc Kinh “không ngừng” làm xói mòn quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, ngay cả vào thời điểm rất cần sự hợp tác quốc tế nhằm khống chế dịch Covid-19. Liên quan đến tình hình biển Đông, theo hãng tin Kyodo, Sách trắng nhận định Trung Quốc đang quân sự hóa các tiền đồn tại đó trong lúc dùng các biện pháp phi quân sự để buộc thay đổi hiện trạng khu vực, dẫn đến phản ứng mạnh của các quốc gia liên quan.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nhận định Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng tại “nhiều nơi” trên thế giới như những khu vực dọc biên giới Trung Quốc – Ấn Độ, biển Hoa Đông, biển Đông…
Ông Akitoshi Miyashita, chuyên gia tại Trường ĐH Quốc tế Tokyo (Nhật Bản) cho rằng những nội dung chỉ trích Bắc Kinh trong văn kiện trên gây ít nhiều ngạc nhiên bởi Tokyo có kế hoạch đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm nay.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.