Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga
Tổng thống Mỹ ngày 01/02 tuyên bố Washington sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ đã ký với Liên Xô vào năm 1987.
Thông cáo báo chí của Nhà Trắng phát đi nêu rõ, Nga từ lâu đã vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà không bị trừng phạt. Nga đang ngầm phát triển và bảo vệ một hệ thống tên lửa bị cấm, vốn gây ra mối đe dọa trực tiếp cho các đồng minh và quân đội Mỹ ở nước ngoài.
Ngày 2/2, Mỹ sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình, bắt đầu quá trình rút khỏi Hiệp ước INF và sẽ hoàn tất sau 6 tháng, trừ khi Nga trở lại tuân thủ hiệp ước này bằng cách phá hủy tất cả các tên lửa, bệ phóng và thiết bị đi kèm thuộc diện vi phạm.
Ngay sau khi Nhà Trắng ra thông báo chính thức về việc Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tổ chức họp báo nhằm giải thích rõ hơn quyết định của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Phát biểu với các phóng viên tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Pompeo khẳng định: “Mỹ sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung có hiệu lực từ ngày 2/2. Chúng tôi sẽ cung cấp cho Nga và các bên tham gia hiệp ước khác thông báo chính thức rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ có hiệu lực trong thời gian 6 tháng, chiểu theo Điều 15 của Hiệp ước.”
Các đồng minh NATO của Mỹ hoàn toàn ủng hộ Washington, bởi vì họ hiểu mối đe dọa do sự vi phạm của Nga gây ra và những rủi ro đối với hoạt động kiểm soát vũ khí thông qua việc bỏ qua các hành động vi phạm Hiệp ước.
Trong khi đó, những người ủng hộ kiểm soát vũ khí đặc biệt lo ngại trước quyết định của Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu Chiến tranh Lạnh, có thể dẫn tới bất ổn ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, ông Derek Johnson, Giám đốc điều hành Sáng kiến toàn cầu về giải giáp hạt nhân có tên gọi Global Zero nhấn mạnh, việc Chính quyền Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp ước INF không làm cho nước Mỹ an toàn hơn và cũng không mang lại kết quả tốt hơn cho các hoạt động kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.