Mỹ tiến đến giai đoạn cuối trong cuộc chiến chống Covid-19

Ngày 8-11 (giờ địa phương), theo kế hoạch, Mỹ mở cửa biên giới trên bộ và trên không với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ.

doan-tu-nguoi-than_ewqj
Nhiều người sẽ sớm được đoàn tụ với người thân sau khi Mỹ mở cửa biên giới

Dỡ bỏ lệnh cấm đi lại 

Khi đặt vé tới thăm con trai Liam ở TP New York (Mỹ) vào tháng 3-2020, cặp vợ chồng người Anh Alison và David Henry không ngờ rằng đại dịch Covid-19 đã khiến chuyến đi của họ phải hoãn lại gần 2 năm. Trong khoảng thời gian này, họ đã bỏ lỡ lễ mừng sinh nhật lần thứ 30 của Liam và lễ kỷ niệm 30 năm ngày cưới của mình với đầy đủ các thành viên trong gia đình. Với quyết định của Mỹ mở lại biên giới trên bộ và trên không cho tất cả du khách nước ngoài đã tiêm vaccine Covid-19, cơ hội để Alison được sang thăm con trai trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Lệnh cấm đi lại sẽ được dỡ bỏ với hơn 30 quốc gia. Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ sẽ yêu cầu mọi du khách nhập cảnh bằng đường không phải tiêm chủng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Các hãng hàng không cũng được yêu cầu phải áp dụng hệ thống truy vết tiếp xúc. Cơ quan y tế Mỹ chấp thuận du khách nhập cảnh bằng đường hàng không, tiêm chủng tất cả các loại vaccine đã được nước này và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn sử dụng.

Trong khi đó, lệnh mở cửa biên giới trên bộ sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn. Từ ngày 8-11, du khách thực hiện những chuyến đi “không thiết yếu” như thăm viếng gia đình hoặc du lịch để nhập cảnh sẽ phải tiêm chủng. Tuy nhiên, những người chưa tiêm chủng vẫn có thể nhập cảnh với những chuyến đi “thiết yếu” như trong hơn một năm qua. Còn từ giai đoạn 2, bắt đầu từ đầu tháng 1-2022, mọi du khách nhập cảnh Mỹ bằng đường bộ phải tiêm chủng đầy đủ, bất kể lý do chuyến đi.

Sẽ thành bệnh đặc hữu

Đại dịch Covid-19 tại Mỹ có thể sẽ được đẩy lùi vào đầu tháng 1-2022 và bước sang giai đoạn mới, trở thành một căn bệnh đặc hữu. Đây là nhận định được tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu quan chức của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra. Đầu tháng 1-2022 cũng là thời điểm thực hiện chỉ thị của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc yêu cầu tiêm vaccine phòng bệnh bắt buộc với những người đến làm việc trực tiếp tại các cơ quan công sở và cơ sở sản xuất. Với các quy định này, đến ngày 4-1-2022, khoảng 84 triệu người lao động trong các lĩnh vực tư nhân sẽ phải tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ nếu không muốn phải xét nghiệm định kỳ.

Tiến sĩ Gottlieb nhận định, đến thời điểm nói trên, nước Mỹ sẽ tiến đến giai đoạn cuối cùng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đó là lúc dịch hầu như bị đẩy lùi tại Mỹ sau khi nước này vượt qua làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta hiện nay. Sau đó, nước Mỹ sẽ chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu, giống như bệnh cúm.

Nói về loại thuốc kháng virus mới mà hãng Pfizer phát triển cho kết quả thử nghiệm lâm sàng sơ bộ khả quan trong điều trị Covid-19, ông Gottileb khẳng định không nên coi đây là một biện pháp thay thế cho việc tiêm phòng vaccine.

Tiến sĩ này lưu ý, thuốc điều trị Covid-19 chỉ nên được coi là lựa chọn để bảo vệ những người không thể tiêm vaccine hoặc mắc bệnh dù đã tiêm vaccine. Ông cho rằng việc tiêm vaccine Covid-19 định kỳ hoặc điều chỉnh vaccine để thích ứng với các biến thể mới của virus cũng có thể là những điều cần thiết trong giai đoạn mới của dịch bệnh.

Nguồn SGGP