Mỹ “trấn an” các đồng minh truyền thống

      Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế xuyên Đại Tây Dương

Từ ngày 24/2-6/3/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có chuyến công du nước ngoài đầu tiên, thăm 9 nước châu Âu và Trung Đông là Anh, Đức, Pháp, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, UAE… Sau những điều chỉnh chiến lược trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama hướng trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phải chăng chuyến công du nước ngoài đầu tiên này của Ngoại trưởng Mỹ đang báo trước dấu hiệu Mỹ sẽ có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại?

Chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài kể từ khi ông John Kerry nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ kéo dài 11 ngày tới 9 quốc gia châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, do có lịch trình dày đặc nên chuyến thăm của ông John Kerry mới chỉ dừng ở mức độ “lắng nghe” và “tiếp nhận”, chứ chưa có những bước đột phá cụ thể.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trong cuộc họp báo tại Qatar (Ảnh  Reuters)


Đối với châu Âu, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Anh, Đức, Pháp và Italy nhằm mục đích căn bản là để cải thiện quan hệ và “trấn an” các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu trước sự thay đổi thứ tự ưu tiên trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ vừa qua. Đồng thời, chuyến thăm cũng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế xuyên Đại Tây Dương và giúp giải quyết các vấn đề “nóng” ở Trung Đông.

Thực tế, động thái này của chính quyền Mỹ được thể hiện rõ thông qua 2 sự kiện mới đây. Đầu tháng 2/2013, trong diễn văn trước các quan chức cấp cao, các bộ trưởng và lãnh đạo quân đội tại Hội nghị An ninh tại Đức, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã trấn an các đối tác châu Âu và khẳng định Mỹ luôn coi trọng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Ngày 12/2 vừa qua, trong Thông điệp liên bang đầu tiên sau khi đắc cử nhiệm kỳ mới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố kế hoạch sẽ đàm phán với châu Âu về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nhằm hình thành một khu vực tự do thương mại và đầu tư lớn nhất thế giới, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho cả Mỹ và châu Âu. Người ta cũng không quên ông John Kerry luôn được đánh giá là một nhân vật theo đuổi mục tiêu tăng cường quan hệ Mỹ-châu Âu.

Đáng chú ý trong chặng dừng chân ở Pháp, Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện khả năng nói tiếng Pháp trôi chảy, cũng là cách ông bày tỏ sự coi trọng đối với mối quan hệ Mỹ- Pháp: “Tôi rất vui khi có mặt tại đây và được phát biểu sau một bữa ăn trưa tuyệt vời – bữa trưa đã không ngừng hấp dẫn những người dân Mỹ tại Paris từ hàng thế kỷ qua. Nước Pháp là một trong những đồng minh lâu đời nhất của nước Mỹ. Và chúng tôi cảm ơn nước Pháp vì điều đó”.

Ngoài ra, một trọng trách khác trong chuyến thăm châu Âu lần này của Ngoại trưởng Mỹ là tìm kiếm khả năng để đạt được những bước tiến tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8), dự kiến sẽ được tổ chức tại Bắc Ireland vào tháng 6/2013.

Đối với khu vực Trung Đông, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy một ưu tiên khác trong chính sách đối ngoại mới của chính quyền Mỹ nhằm khẳng định lại ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực sau những diễn biến của “Mùa xuân Arab”, hướng tới giải quyết vấn đề Syria, vấn đề hạt nhân Iran và thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel- Palestine…

Trong vấn đề Syria, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ và việc ông tham gia hội nghị quốc tế “Những người bạn của Syria” tại Italy cùng với đại diện của phe đối lập Syria… là động thái mới. Thực tế, ngay khi nhậm chức ngày 1/2, ông John Kerry từng tiết lộ về “những ý tưởng mới” để “thuyết phục” Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực.

Ngoại trưởng Mỹ nói: “Mục đích của tôi là thấy chúng ta cùng thay đổi những tính toán của tổng thống Syrie. Mục đích của tôi là thấy chúng ta có thể thương lượng đạt kết quả và hạn chế tối đa bạo lực; cho dù mục đích đó có thể không đạt được”.

Tại Anh, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Lavrov nhằm thảo luận và thuyết phục Nga thay đổi quan điểm và thúc đẩy giải quyết tình trạng bất ổn ở Syria. Đến nay, Nga vẫn khẳng định vấn đề của Syria phải do người dân nước này tự quyết chứ không phải do can thiệp từ bên ngoài.

Trong vấn đề Iran, Mỹ muốn thúc đẩy vòng đàm phán hạt nhân P5+1 giữa Iran với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tuy triển vọng đạt được kết quả không cao, nhất là trước thời điểm bầu cử Tổng thống Iran vào tháng 6/2013. Đối với Ai Cập, Mỹ muốn tìm kiếm và thiết lập quan hệ với chính phủ mới do Tổ chức Anh em Hồi giáo lãnh đạo, hối thúc Ai Cập thực hiện những cải tổ chính trị nhằm tháo gỡ bế tắc hiện nay, tiến tới thiết lập trở lại quan hệ đồng minh với đất nước Hồi giáo lớn nhất khu vực này.

Không chọn châu Á như người tiền nhiệm Hillary Clinton đã làm trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài, chuyến thăm 9 nước châu Âu và Trung Đông của tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho thấy, thay vì theo đuổi các mục tiêu lâu dài, chính quyền Mỹ đang tập trung can thiệp và giải quyết các vấn đề ngắn hạn. Mỹ đã có điều chỉnh chiến lược cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không vì thế mà xao nhãng những khu vực có lợi ích và ảnh hưởng chiến lược truyền thống.

Do vậy, dù chỉ là chuyến công du để “lắng nghe” và “tiếp nhận”, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ được đánh giá là rất quan trọng, khởi động cho một tiến trình mới nhằm xây dựng nền tảng chung với các đồng minh chính tại châu Âu và Trung Đông, mở ra cơ hội để Mỹ cải thiện quan hệ với thế giới Arab-Hồi giáo./.