Năm 2020, Việt Nam sẽ có hệ thống ra đa hoàn thiên, tăng thời hạn dự báo thiên tai
Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hệ thống ra đa hoàn thiên đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ tăng thời hạn dự báo thiên tai, đặc biệt là các hiện tượng cực đoan.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Việt Hùng
Đó là thông tin do PGS.TS Trần Hồng Thái, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia, Phó chủ tịch Ủy ban Bão Quốc tế cho biết tại buổi tọa đàm “Vai trò của ngành khí tượng thủy văn trong phát triển bền vững” được tổ chức chiều 27/2 tại Hà Nội.
Buổi tọa đàm Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Ủy ban Bão Quốc tế tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong chương trình Khóa họp thường niên lần thứ 50 Uỷ ban Bão và các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão Quốc tế.
Thông tin tại diễn đàn, PGS.TS Trần Hồng Thái, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia, Phó chủ tịch Ủy ban Bão Quốc tế cho biết: Diễn đàn nhân kỉ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam năm nay đã quy tụ hàng trăm chuyên gia khí tượng thế giới, cùng nhau nhìn nhận những khó khăn, tồn tại và cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm mới. Bên cạnh đó, thống nhất nhận định xu thế khí hậu năm 2018 và chuẩn bị tốt hơn cho phòng chống thiên tai.
“Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của Tổ chức Khí tượng Thế giới vàỦy ban Bão Quốc tế. Trong các hoạt động hợp tác đa phương, Việt Nam đã tích cực tham gia các cơ chế trao đổi thông tin trong khu vực và các thành viên ủy ban bão. Nhờ đó, bổ sung và cải thiện chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai” – PGS.TS Trần Hồng Thái nói.
Theo ông Trần Hồng Thái, khách quan nhìn nhận, chất lượng dự báo của nước ta đã từng bước nâng lên và dần tiệm cận với các nước phát triển. Ngành KTTV của Việt Nam đang tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đã và đang xây dựng mạng lưới ra đa, cảnh báo dông sét, tăng dầy mạng lưới quan trắc và tỷ lệ các trạm tự động, các mô hình dự báo tổ hợp… là những công nghệ giúp dự báo tốt hơn.
Khó khăn hiện nay, đó là mạng lưới quan trắc còn thưa, chỉ đạt mật độ 20 -30 % mật độ so với khu vực, khoảng 50% trạm tự động, còn nhiều trạm đo thủ công. Nguồn lực đầu tư cho mạng lưới quan trắc, truyền tin, dự báo còn hạn chế. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, chi tiết hóa các dự báo điểm… Đây là hành động cần sự chung tay của các Bộ ngành, địa phương để làm sao đưa ra các bản tin gần thực tế, dễ sử dụng hơn.
Theo GS.TS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết của Việt Nam trở nên khắc nghiệt hơn, đặc biệt là nhiệt độ cao, tăng khô hạn và mưa lớn diện rộng gây trượt lở, lũ quét…Bởi vậy, ngành khí tượng đã chú trọng cải thiện công tác truyền thông, làm sao đưa thông tin đến người dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu và dễ sử dụng hơn. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dự báo, trong thời gian tới ngành KTTV cần nâng cao vai trò của ngành trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam
Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Talaas – Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng Thế giới cho biết:Trong chiến lược phát triển của Tổ chức Khí tượng thế giới giai đoạn 2016 – 2019, các hoạt động của WMO sẽ ưu tiên giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả nguồn nước.
“Chúng tôi mong muốn sẽ kết nối các quốc gia thành viên của WMO hợp tác cùng hỗ trợ, chia sẻ dữ liệu khí hậu, thời tiết toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những thông tin cảnh báo, dự báo với độ tin cậy cao sẽ trợ giúp đặc lực cho các nhà hoạch định chính sách trong quá trình ra quyết định” – Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng Thế giới Talaas nói.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.