Nam bộ tích cực phòng, chống cháy rừng
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện đang ở vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, gió ít, độ ẩm thấp, tình trạng nắng nóng sẽ tiếp tục đến nửa cuối tháng 5, điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ cháy rừng ở đây sẽ còn kéo dài.
Khô hạn kéo dài khiến cho nhiều diện tích rừng ở Nam bộ bị thiệt hại |
Theo Cục Kiểm lâm, nhiều khu vực tại Nam bộ đã nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Trong đó, có nơi ở vào cấp cực kỳ nguy hiểm như khu vực Bình Long, Bù Ðăng, Lộc Ninh, Phước Long, Ðồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước. Khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc thuộc tỉnh Ðồng Nai, tỉnh Tây Ninh cũng nằm trong tình trạng rất dễ xảy ra cháy rừng do hanh khô kéo dài… Trước tình hình trên, các tỉnh và chủ rừng ở khu vực Nam bộ đã khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, từ nhiều tháng qua, công tác phòng, chống cháy rừng đã được lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đặc biệt.
Ban Chỉ đạo về bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Đồng Nai đã sớm có công văn chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2013-2014. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng đã thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2013-2014 và triển khai kiểm tra từ giữa tháng 1/2014 cho đến nay.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là những hộ cư trú trên phần đất có rừng thực hiện tốt các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.
Để ngăn ngừa và góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các mối nguy cơ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngay từ đầu mùa khô 2013-2014, các địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã tập trung thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ”, đó là lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ trong phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tỉnh Đồng Nai đã củng cố, kiện toàn và thành lập 52 ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy cấp huyện và cấp xã với 746 thành viên, thành lập 152 tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng với 1.371 đội viên, đồng thời còn xây dựng 16 bản đồ tác chiến và 29 phương án tác chiến để kịp thời ứng phó khi xảy ra sự cố. Các chủ rừng đã củng cố, kiện toàn và thành lập 12 ban chỉ huy với 136 thành viên, 73 tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng, lập 16 phương án tác chiến, 31 bản đồ tác chiến chữa cháy rừng tại các khu vực rừng thuộc phạm vi quản lý.
Tại những khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao, lực lượng kiểm lâm của tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các chủ rừng đẩy mạnh xây dựng các công trình phòng cháy, như hoàn thành việc thi công đường băng cản lửa cho 475 ha rừng tự nhiên, trên 2.657 ha rừng trồng và 8 ha rừng trảng cỏ. Ngoài ra còn xây dựng, gia cố lại các đập giữ nước kiên cố, đập tạm thời, các bể chứa nước, chòi canh tạm thời, giếng khoan và mua sắm thêm nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tại Tây Ninh, hiện địa phương này đang có gần 60.000 ha rừng ở ngưỡng báo cháy cực kỳ nguy hiểm. Đó là các diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng dọc đường biên giới tại các dự án rừng Chàng Riệc, phòng hộ Dầu Tiếng, núi Bà, Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát đang ở trạng thái báo động cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể xảy ra cháy lớn do đã đến cao điểm của mùa khô.
Để chủ động phòng, chống cháy cháy rừng, kiên quyết bảo vệ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có trên địa bàn, ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, tỉnh đã kiện toàn các ban Chỉ huy phòng chống cháy rừng của 6 huyện, 17 xã có rừng; triển khai nhiệm vụ cho 28 tổ, đội phòng chống cháy rừng của các Ban quản lý dự án tổ chức phát hoang, dọn vệ sinh ven đường, đốt chủ động, làm 92 km đường băng cản lửa.
Tỉnh Tây Ninh cũng đã xây dựng các chòi canh lửa, phân công người trực 24/24 tại các điểm có nguy cơ cháy cao như: Khu vực giáp biên giới Campuchia, đầu nguồn sông Sài Gòn giáp tỉnh Bình Phước, các tiểu khu rừng giáp đất rẫy và gần khu dân cư, nơi có đồng bào dân tộc sống gần rừng.
Nhằm kịp thời phát hiện, huy động lực lượng dập lửa khi có cháy xảy ra, Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của tỉnh Tây Ninh đã tổ chức lực lượng tuần tra canh phòng tại các cửa ngõ vào rừng để kịp thời nhăn chặn các trường hợp chăn thả gia súc, vào rừng lấy củi, khách du lịch vào rừng đốt lửa.v.v…, đây là những nguyên nhân dễ xảy ra cháy rừng trong thời tiết đang khô hanh, nắng nóng.
Hiện, tỉnh Tây Ninh và các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị chủ rừng không chủ quan trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ rừng, không mang lửa và vật dụng dễ cháy vào rừng, đồng thời tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ rừng dập tắt lửa kịp thời khi có cháy lớn xảy ra tại khu rừng của địa phương. Các đơn vị chủ rừng dự trữ thêm nguồn nước, trang bị thêm các phương tiện kỹ thuật cho lực lượng dân quân tự vệ và người dân các xã có rừng để kịp thời ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 18% diện tích tự nhiên của Thành phố là rừng, đất rừng và cây lâm nghiệp phân tán với trên 41 nghìn ha, phần lớn diện tích rừng của thành phố Hồ Chí Minh tập trung ở huyện Cần Giờ, chủ yếu là rừng ngập mặn nên ít phải lo cháy rừng nhờ chế độ bán nhật triều xảy ra hàng ngày. Tuy nhiên, trên địa bàn 19 xã, phường ở các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và quận 9 có trên 11 nghìn ha, trong đó, riêng diện tích rừng là trên 1 nghìn ha và 2.600 ha cao su. Với trên 4 nghìn ha cây phân tán xen với đồng cỏ và hàng nghìn ha mía, do đó, trên địa bàn 19 xã, phường của Thành phố diện tích luôn nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ gây cháy.
Trước tình hình này, các ngành, các cấp của thành phố Hồ Chí Minh đã luôn đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó các sự cố có thể xảy ra. Tập trung đầu tư trang bị bổ sung phương tiện, thiết bị tìm kiếm cứu nạn đảm bảo khả năng huy động ứng cứu. Bảo vệ và phòng chống cháy rừng, nêu cao vai trò trách nhiệm chủ rừng, đồng thời quan tâm chăm lo đời sống những hộ nhận khoán giữ rừng.
Các ngành chức năng và địa phương của thành phố Hồ Chí minh cũng thường xuyên tổ chức diễn tập phòng chống cháy rừng, tăng cường sự chủ động trong huy động, tổ chức, chỉ huy lực lượng phối hợp chữa cháy rừng, nâng cao hiệu quả của công tác tổ chức chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại đến tài nguyên rừng do cháy rừng gây ra. Đồng thời, nâng cao tính chủ động phối hợp các lực lượng tham gia chữa cháy rừng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các lực lượng tham gia xử lý tình huống và phát huy vai trò chỉ đạo, chỉ huy phối hợp chữa cháy trên tinh thần phương châm 4 tại chỗ.
Huyện Củ Chi là địa phương có diện tích rừng lớn, bao gồm các loại rừng khác nhau như rừng cây công nghiệp, rừng phòng hộ…đồng thời cũng có một diện tích lớn đất hoang hóa cỏ năng mọc rất nhiều. Hằng năm vào mùa khô, tại địa bàn huyện Củ Chi đã xảy ra một số vụ cháy rừng mà nguyên nhân từ việc người dân xung quanh rừng thiếu ý thức đã đốt rác gây cháy lan, hoặc do chủ rừng thuê người khai thác tràm đã đốt khu vực cỏ năng, gây cháy lan. Nhiều vụ cháy nếu lực lượng chuyên nghiệp không đến cứu chữa kịp thời sẽ cháy lan vào rừng trồng cây công nghiệp, sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn.
Trước tình hình trên, Uỷ ban nhân dân huyện Củ Chi đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống cháy rừng, tăng cường các biện pháp tuyên truyền về phòng chống cháy rừng cho nhân dân sinh sống quanh rừng. Huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng các xã có rừng thuần thục sử dụng máy bơm chữa cháy đã được trang bị, trang bị các phương tiện để chở máy bơm chữa cháy… Đồng thời, tổ chức ký quy chế phối hợp giữa các xã có rừng để chi viện về lực lượng và phương tiện cho nhau khi có cháy xảy ra, kịp thời ngăn chặn không để cháy lan, cháy lớn.
Vào đầu mùa khô năm nay, với thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài, cộng với cây, cỏ khô ở các dự án, thực bì ven rừng phòng hộ, nguy cơ cháy, khả năng cháy lan, cháy lớn là rất cao. Trước tình hình đó, nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra cháy tại khu vực rừng phòng hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Quận 9 thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, panô, áp phích và hệ thống loa phát thanh nhằm tuyên truyền sâu rộng tại các khu dân cư ven rừng về nguy cơ cháy rừng, hướng dẫn các biện pháp phòng cháy và chữa cháy, phát quang cây cỏ tại các khu đất dự án, thực bì ven rừng, tạo đường băng ngăn lửa nhằm ngăn ngừa nguy cơ cháy lan khi có cháy xảy ra.
Tổ chức nạo vét các kênh mương, ao hồ trữ nguồn nước chữa cháy. Trang bị thêm phương tiện chữa cháy, đảm bảo khi xảy ra cháy có đủ phương tiện cứu chữa. Củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ, tổ chức tuyên truyền huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy hiện có để kịp thời ngăn chặn đám cháy mới phát sinh. Lực lượng này thường xuyên tuần tra canh gác, đảm bảo quân số trực 24/24 để phát hiện và xử lý kịp thời khi mới có cháy xảy ra./..
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.