Nam bộ: triều cường bủa vây phố xá

      Ngày 27-10, đỉnh triều trên sông Sài Gòn lần lượt đạt 1,51-1,55m đã làm hàng loạt tuyến đường tại TP.HCM bị ngập.

Học sinh tan trường trên đường Mậu Thân, TP Cần Thơ - Ảnh: Chí Quốc

Theo dự báo, đến khoảng 17g triều cường sẽ đạt đỉnh, nhưng chỉ hơn 16g đường Lương Định Của, P.Bình Khánh, Q.2 đã ngập hơn 20cm. Chưa đầy 30 phút sau, mực nước tiếp tục dâng cao thêm 20cm. Hàng loạt xe chết máy, nhiều căn nhà dọc hai bên đường bị ngập.

Cùng thời điểm trên, triều cường tràn lên từ các hố ga gây ngập nặng trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Nước ngập vào lúc tan trường khiến nhiều phụ huynh kẹt cứng vì không thể đón con. Trong khi đó, đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận nước ngập sâu có đoạn hơn nửa bánh xe, tràn vào nhà dân. Công ty Thoát nước đô thị phải đưa ba xe bồn (6m3/xe) liên tục hút nước đổ nơi khác nhưng đến 18g30 con đường này vẫn còn lênh láng nước.

Bảng thông báo cho học sinh nghỉ học vì ngập lụt của Trường Thái Sanh Hạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang - Ảnh: M.Thuận

Nhiều tuyến đường khác như bến Bình Đông, Lò Gốm… cũng bị ngập. Triều cường làm bể bờ bao liên tiếp tại P.Linh Đông, Q.Thủ Đức. Khu vực ngã ba bến đò thuộc khu phố 8 chìm trong nước, có đoạn ngập sâu đến yên xe. Hàng loạt nhà dân khu vực này bị ngập gần đến thắt lưng.

Theo ông Nguyễn Minh Giám - phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đợt triều xuất hiện trên sông Sài Gòn (từ ngày 24 đến 29-10) có đỉnh vượt mức báo động 3 kéo dài trong nhiều ngày, xấp xỉ với đỉnh triều lịch sử năm 2009 (1,56m). Dự báo đỉnh triều này nhiều khả năng đạt 1,57m (chiều 28-10) và trở thành đỉnh triều cao nhất trong 50 năm qua.

Đường Lương Định Của, quận 2, TP.HCM ngập nặng do triều cường chiều 27-10 - Ảnh: M.Đức

* Ngày 27-10, nước lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với triều cường nên mực nước sông Hậu dâng cao làm ngập nghiêm trọng khu vực trung tâm nhiều thành phố như Cần Thơ, Long Xuyên (An Giang). Tại An Giang, khu vực quanh chợ Bình Khánh, chợ Long Xuyên bị bao vây trong biển nước, một số tuyến đường ngập sâu 0,3-0,5m.

Vĩnh Long hoãn họp Tỉnh ủy để chống triều cường

Ngày 27-10, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long đã thông báo hoãn phiên họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh theo kế hoạch để lãnh đạo các địa phương đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lũ và triều cường đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Tại TP Cần Thơ, lũ kết hợp triều tiếp tục dâng cao khiến nhiều tuyến đường và khu vực dân cư ở nội thành ngập dữ dội. Theo bà Vương Thị Lập - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Cần Thơ, sáng 27-10 mực nước lũ cao nhất tại TP Cần Thơ đạt 2,15m, khả năng sẽ đạt cao đến 2,16m và 2,17m vào một hai ngày tới. Tại Hậu Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa cho hay toàn bộ vùng nguyên liệu mía bị ngập do triều cường và lũ. Tại TP Vị Thanh, một số đường thấp và hẻm nội ô cũng bị ngập.

Trong khi đó tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), hàng nghìn hộ dân phải tất bật gia cố bờ bao, khắc phục những điểm sạt lở do đỉnh triều cường dâng cao nhất từ trước đến nay. Tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang), chiều 26-10, khu vực vòng xoay ngã ba Trung Lương bị ngập nặng. Một số trường học treo bảng thông báo cho học sinh nghỉ học hai ngày thứ năm và thứ sáu. Dọc tuyến quốc lộ 1A khu vực ngã ba Trung Lương, giao thông bị ách tắc suốt thời gian triều cường.

Ông Võ Thạnh, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn An Giang, cho biết đỉnh triều cao nhất sẽ rơi vào ngày 28-10 với mức 4,1m tại Vũng Tàu và 1,2m tại Hà Tiên. Do đó mực nước trên sông Hậu vẫn duy trì ở mức cao và tiếp tục gây ngập trong vài ngày tới.