Năm rồng gắng vượt vũ môn .
Olympic London 2012 - đấy là một cái đích tha thiết và đầy khát vọng của thể thao Việt Nam. Muốn hóa rồng thì phải nỗ lực mọi mặt để có thể vượt vũ môn.
Gương mặt đầy phấn khích của Quốc Toàn sau lần cử đẩy thành công 155kg - Ảnh: Chí Bảo |
Chuyện mùa xuân thì bao giờ cũng là chuyện của tuổi trẻ, chuyện của khát vọng, chuyện của những bước chuyển mình. Thể thao là một chủ đề phù hợp với những đặc tính này trong mỗi mùa xuân. Và đặc biệt mùa xuân năm nay khi Olympic London 2012 đang vẫy gọi, khi năm 2011 khép lại, chưa thật vui lắm với các môn bóng - nhất là bóng đá, nhưng đầy phấn khích ở thành tích của nhiều môn khác, trước hết là những môn thế vận kinh điển. Việt Nam chúng ta lại thêm một lần bước ra sân chơi quốc tế, mà là sân chơi sang trọng nhất, đẳng cấp nhất, với xu thế vươn mình theo khẩu hiệu bất diệt của thể thao: “Nhanh hơn nữa, cao hơn nữa, mạnh hơn nữa”. Đầy thách thức và hi vọng. Cũng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên thôi, nhưng là một ngẫu nhiên nhiều ý nghĩa: theo lịch của chúng ta, năm tới là năm rồng.
Từ chiếc HCB Thế vận hội 2008…
Năm 2008, chúng tôi có mặt tại Olympic Bắc Kinh theo dõi cuộc thi của Hoàng Anh Tuấn ở môn cử tạ nam hạng dưới 56kg, trong bầu không khí căng thẳng nhiều khi đến mức chết lặng. Cân kiểm tra: 55,97kg, Tuấn nặng nhất trong số các VĐV dự thi. Cử giật Tuấn đạt 130kg. Còn cơ hội huy chương, kể cả HCV. Vào cử đẩy Tuấn nâng 155kg nhẹ nhàng, nhưng để rơi tạ ở 160kg một cách rất đáng tiếc: tạ đã được nâng lên đỉnh đầu nhưng lại rơi xuống do trọng tâm lệch về phía sau. Đấy là lý do vì sao khi Tuấn bước vào thử thách cuối cùng, lần thứ hai sờ tay vào tạ 160kg, tất cả chúng tôi đều nín thở, tim như văng ra khỏi lồng ngực. Thành công: chúng ta có HCB. Thất bại: có thể chúng ta lại trắng tay. Vẫn như cũ, Tuấn đủ sức nâng cao tạ trên hai cánh tay duỗi thẳng. Nhưng… Tuấn lại loạng choạng, chân phải bước lùi về phía sau… rồi thật may mắn, Tuấn lấy lại được thăng bằng. Thành công. Chúng tôi đắm mình trong bầu không khí mừng vui nghẹn ngào. Chỉ ở vị trí thứ hai, HCB, nhưng chúng tôi cũng thầm hát trong lòng bài Tiến quân ca.
Còn bây giờ là câu chuyện SEA Games 2011 vừa qua. Thay cho Hoàng Anh Tuấn là Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn. Đối thủ của các VĐV chúng ta là Jadi, Indonesia, người từng đánh bại Hoàng Anh Tuấn ở SEA Games 2009. Ở giải này, cũng như giải vô địch thế giới trước đó, phong độ của Kim Tuấn không thật tốt cho lắm, nhưng sự có mặt đồng thời của hai VĐV Việt Nam trong những thời khắc sinh tử vẫn là một sự cổ vũ, một nguồn sức mạnh cho Quốc Toàn. Hôm đấu với Jadi, Toàn có thành tích 125kg ở cử giật, rồi vượt qua 149kg khi cử đẩy, và ngay sau đó để rơi tạ ở 151kg. Trong lần đẩy cuối cùng khi Kim Tuấn đã lùi lại và Jadi đã vượt lên, Quốc Toàn đặt mức tạ 155kg. Đấy là mức bắt buộc để lấy HCV khỏi tay Jadi, người đã thành công ngay trước đó với mức tạ 154kg.
Nhớ lại: Toàn vừa thất bại ở mức 151kg mà bây giờ phải thêm 4kg vào cái trọng lượng vừa thất bại đó. Nhưng không có con đường nào khác. Ở giải vô địch thế giới 20 ngày trước đó, Toàn cũng chỉ đạt 149kg và hai lần thất bại ở 154kg. Trong thời điểm ngàn cân treo sợi tóc ấy, Toàn phải vượt qua chính mình cả ở thể lực, cả ở tâm lý. Và anh đã thành công. Cái thành công gợi niềm hi vọng cho Olympic 2012. VĐV Trung Quốc giành cả HCV và HCB thế giới 2011 với thành tích 292kg và 284kg, còn HCĐ thuộc về VĐV Azerbaijan với 276kg (thành tích của Toàn tại SEA Games là 280kg). Như vậy, nói một cách lạc quan, chúng ta có khả năng tranh chấp huy chương tại London. Nhưng điều này đòi hỏi sự nỗ lực trên rất nhiều phương diện, vì chắc chắn đối thủ cũng đã đưa Kim Tuấn và Quốc Toàn vào đích ngắm.
Thắng bại diễn ra trong thời điểm, thậm chí chỉ một tích tắc thôi, nhưng chuẩn bị là cả tháng năm, là suốt cuộc đời. Nhìn về London, chúng ta còn tám tháng cho cuộc chuẩn bị bền bỉ, gian truân ấy. Cử tạ chỉ là một câu chuyện ví dụ, như mũi tấn công trên toàn mặt trận, là một tiếp cận để chúng ta hiểu thêm những môn khác như bơi lội, điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ, taekwondo…
… Đến những nỗ lực cho năm 2012
Thể thao đỉnh cao bắt đầu từ phát hiện và tuyển chọn tài năng. SEA Games 2011 vừa qua đã phát đi nhiều tín hiệu lạc quan về lứa VĐV trẻ trung, tài năng đến từ mọi miền đất nước, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Thạch Thị Trang (18 tuổi, Trà Vinh), Việt Anh (21 tuổi, Bạc Liêu), Ánh Viên (15 tuổi, Cần Thơ)… Trong rất nhiều môn thi, lứa VĐV sinh trong những năm 1989-1991 đã trở thành lực lượng hùng hậu và mang lại khá nhiều thành tích bất ngờ.
Một trong những cuộc thi rất hấp dẫn trên đường đua xanh là cự ly 4x100m hỗn hợp nữ. Trong ba cự ly đầu (bướm, ngửa và ếch), người dẫn đầu luôn là một cô gái Việt Nam. Chỉ sang đến bơi tự do, VĐV Singapore mới bắt kịp và vượt lên một khoảng khá xa để giành HCV. Đó là Tao Li, VĐV Trung Quốc nhập tịch, người đã đoạt HCV tại Asiad ở Quảng Châu (11-2011), người duy nhất mang quốc tịch Đông Nam Á có thể vượt qua các tay bơi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn VĐV Việt Nam đoạt HCB đầy bất ngờ và xuất sắc đến vậy chính là Ánh Viên, tay bơi mới 15 tuổi. Ánh Viên được phát hiện rất sớm và được đào tạo chuyên sâu tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9) từ năm 11 tuổi. Dù mới chỉ chớm tuổi 15 nhưng Ánh Viên đã cao 1,70m và có sải tay lý tưởng cho môn bơi là 1,98m. Có thể Viên chưa kịp góp mặt tại London 2012, nhưng chắc chắn đấy là niềm hi vọng lớn của chúng ta.
Sau khi được phát hiện và tuyển chọn, công tác huấn luyện quyết định hết thảy và ở đây có ba vấn đề: đầu tư, kinh nghiệm và khoa học công nghệ. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm, lại tiếp tục tích lũy và học hỏi kinh nghiệm mới, nhưng cần tăng cường đầu tư kinh phí và khoa học công nghệ. Điền kinh năm nay thu được thắng lợi lớn, chúng ta lại tạo nên thế mạnh lớn ở cự ly chạy trung bình với Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương, bây giờ thêm Đỗ Thị Thảo, Dương Văn Thái còn rất măng tơ (19 tuổi), nhưng kinh phí đầu tư cho chương trình điền kinh năm qua mới chỉ là 120.000 USD. Các VĐV có những chuyến đi tập huấn nước ngoài, thu thập nhiều thông tin mới, nhưng suy cho cùng đấy cũng mới chỉ là sáu tháng lương của HLV Falko Goetz trong môn bóng đá, theo khoản tiền “bỏ túi” (net) của ông thầy này chứ chưa kể vô số khoản chi phí khác về ăn ở và đi lại.
Năm nay, cùng với VĐV thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh, kình ngư Hoàng Quý Phước với hai HCV 100m bướm và 100m tự do nam là VĐV tiêu biểu. Với Phước, chúng ta có niềm tự hào vì chính bản thân anh, nhưng chúng ta cũng có nhiều kinh nghiệm với cách đầu tư của Đà Nẵng. Không chỉ trông chờ vào trung ương mà địa phương đã nỗ lực tối đa, quyết đi vào trọng điểm và đi theo mũi nhọn. Cho đến nay, Phước là sản phẩm của Đà Nẵng và chúng ta chỉ còn biết hi vọng rằng với sự đầu tư mạnh mẽ sắp tới của quốc gia, với những công nghệ mới và các phép kiểm tra huấn luyện định lượng ở Mỹ, Phước sẽ có bước nhảy vọt trong thành tích của mình.
Dù thành tích của Phước còn khá xa so với thế giới, nhưng sự tiến bộ không ngừng của anh trong thời gian qua cũng tạo nên hi vọng: 2009 - 55:83 giây, 2010 - 54:71, 2011 - tháng 6 - 53:56, tháng 11- 53:07 (100m bướm). Nếu chuyến tập huấn ở Mỹ gia tốc sự tiến bộ này thì chúng ta có thể mơ tới một thành công tầm cỡ quốc tế. Quý Phước sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, từ một mảnh đất còn nhiều khốn khó và anh đã mang lại rất nhiều cho Tổ quốc.
Ông Joachim Krug, người Đức, HLV trưởng đội tuyển điền kinh của Qatar, nhận xét :”Huấn luyện để đạt một thành tích đỉnh cao là khó, nhưng tạo ra một cấu trúc để duy trì được thành tích ấy, nâng lên thành đẳng cấp mới là quyết định”. Thể thao Việt Nam đang hướng tới đẳng cấp ấy chăng?
Thành công không nhất thiết phải là huy chương. Trong không ít trường hợp đấy chỉ là một sự tiến bộ. Nhiều khi đó lại là một sự tận tụy mang tính hi sinh, như khi Nguyễn Thị Phương gục ngã mà vẫn bò về đích. Và muốn vậy, mỗi chúng ta đều cố gắng trước hết là vượt qua chính mình, như chuyện cá chép vượt vũ môn để hóa rồng trong năm rồng 2012.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.