Nâng cao vị thế phim nghệ thuật

Thời gian qua, một loạt tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim nghệ thuật đã ra mắt khán giả, tạo được hiệu ứng nhất định, trong đó có những phim giành giải thưởng quốc tế, được giới chuyên môn đánh giá cao. Thế nhưng, phần lớn các bộ phim này lại chưa thu hút được khán giả trong nước và không thành công về doanh thu. Làm thế nào để phim nghệ thuật có “đất sống”, luôn là nỗi trăn trở của những người đam mê, tâm huyết với nghệ thuật thứ bảy.

Phim nghệ thuật không dành cho số đông?

Chỉ trong vòng vài tháng của quý II – 2017, ít nhất năm bộ phim thuộc dòng nghệ thuật được ra rạp (Cha cõng con, Lô tô, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Dạ cổ hoài lang, Đảo của dân ngụ cư). Điểm chung của hầu hết các phim là được chuyển thể từ tiểu thuyết, kịch nói, hoặc lấy cảm hứng từ phim tài liệu, thể hiện những bi kịch về thân phận con người; đều có mức doanh thu không được như kỳ vọng của nhà sản xuất, thậm chí bị lỗ (như Cha cõng con, kinh phí sản xuất 18 tỷ đồng, thu về khoảng 13 tỷ đồng).


Cảnh trong bộ phim Đảo của dân ngụ cư.

Phim nghệ thuật được giới trong nghề gọi là phim tác giả, hiểu theo cách phổ biến là dòng phim không chứa các yếu tố giải trí thông thường (như kỹ xảo điện ảnh, dàn diễn viên trẻ đẹp, các cảnh nóng bỏng, giật gân,…), mà chú trọng khai thác chiều sâu tâm lý, gợi mở cho người xem những suy tư, ám ảnh. Nếu phim thương mại nhằm mục đích thu hút càng nhiều khán giả đến rạp càng tốt, thì phim nghệ thuật lại là “phương tiện” để người làm phim thể hiện thông điệp mang dấu ấn sáng tạo cá nhân. Tất nhiên không có ranh giới tuyệt đối phân chia các dòng phim này; thực tế vẫn có phim thương mại chất lượng nghệ thuật cao, và ngược lại, phim nghệ thuật cũng có thể gặt hái thành công về mặt thương mại (như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, lập kỷ lục doanh thu 80 tỷ đồng cuối năm 2015). Nhưng về cơ bản, phim nghệ thuật ở Việt Nam không thoát khỏi tình trạng chung là kén khách, khó xem.

Những năm gần đây, có nhiều phim điện ảnh Việt Nam tham gia các liên hoan phim (LHP) quốc tế, giành nhiều giải thưởng danh giá, nhưng khi về nước, những phim này lại phải chật vật “tìm đường” ra rạp, và khi ra rạp rồi cũng chưa chắc được đông đảo khán giả đón nhận. Có thể kể đến một trường hợp đáng tiếc là bộ phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng, gần như tham gia bất kỳ LHP quốc tế nào cũng có giải, nhưng khi được chiếu ở chính “sân nhà” thì lại thất thu, rơi vào quên lãng.

Gần đây nhất, Đảo của dân ngụ cư ra mắt với vị thế là phim nghệ thuật, tạo được hiệu ứng truyền thông khá tốt, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Phim do nữ diễn viên kỳ cựu Hồng Ánh làm đạo diễn, được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Đỗ Phước Tiến; phim giành tới tám đề cử trên tổng số chín hạng mục chính thức của LHP quốc tế Đông – Nam Á (AIFAA) 2017, và chiến thắng ở một số hạng mục của LHP này: Phim hay nhất, Nam diễn viên xuất sắc nhất (Phạm Hồng Phước) và Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất (NSND Lý Thái Dũng). Đây có thể nói là con số kỷ lục cho một tác phẩm điện ảnh của Việt Nam trên đấu trường quốc tế từ trước đến nay. Trước khi ra mắt khán giả trong nước, Đảo của dân ngụ cư được giới thiệu chính thức tại LHP Cannes 2017 (Pháp), được công chiếu trong Tuần lễ phim Việt tại Ma-đrít (Tây Ban Nha), được một số nhà phát hành quốc tế đặt vấn đề mua bản quyền phát hành tại Pháp, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ…

Mất tới 10 năm “thai nghén” kịch bản, đầu tư công phu, nghiêm túc, thế nhưng, ngay ngày đầu ra mắt tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội), hai suất chiếu liên tiếp của phim bị hủy do không có người mua vé. Những ngày tiếp theo, lượng khán giả tại các cụm rạp có tăng lên nhưng vẫn ở mức ít ỏi. Và cảm nhận chung của nhiều người xem là phim khó hiểu, gây… buồn ngủ.

Ông Nguyễn Mạnh Cường (Trưởng phòng Chiếu phim của Trung tâm Chiếu phim quốc gia) chia sẻ, lý do khiến Đảo của dân ngụ cư vắng khách là bối cảnh phim ngột ngạt, quẩn quanh, cộng thêm kết phim bi đát, khiến khán giả có cảm giác nặng nề. Đoàn làm phim cũng không đẩy mạnh khâu quảng bá, PR cho phim, ngoài việc thông báo các giải thưởng đạt được. Trong khi đó, phần đông khán giả tới rạp là thanh niên, có nhu cầu giải trí đơn thuần.

Năm 2015, bộ phim đậm chất nghệ thuật, nhân văn Cha và con và… của đạo diễn Phan Đăng Di vinh dự lọt vào danh sách đề cử giải Gấu vàng cho Phim hay nhất tại LHP quốc tế Béc-lin – một trong những LHP chất lượng, uy tín hàng đầu thế giới. Ngay sau đó, phim được mua bản quyền và chiếu rộng rãi ở Pháp (với tên gọi Mekong Stories – tạm dịch: Những câu chuyện bên dòng Mê Công), nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực. Nhưng ở Việt Nam, mãi tới cuối tháng 3-2017, phim mới được chiếu với quy mô nhỏ, mang tính thăm dò tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội), và đến nay, vẫn chưa đạt thỏa thuận công chiếu chính thức với nhà phát hành nào trong nước.

Tiếp sức nghệ thuật

Mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng xu hướng làm phim nghệ thuật được chuyên gia trong giới dự đoán sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà làm phim độc lập thực hiện, đặc biệt là người trẻ. Dòng phim nghệ thuật tuy đã thu hẹp trước sự bùng nổ của nhiều hình thức giải trí, nhưng vẫn tồn tại, là một phần quan trọng của văn hóa – xã hội ở mỗi quốc gia.

Để yêu thích và xem được phim nghệ thuật, khán giả cần có trình độ thẩm mỹ, hiểu biết nhất định. Đó cũng là vấn đề chung của nhiều lĩnh vực nghệ thuật từ âm nhạc, sân khấu đến văn học, chứ không riêng điện ảnh. Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, không nhất thiết cứ phim nghệ thuật là phải khó xem, mà nên tìm đến sự hài hòa: Chấp nhận một vài phim thể nghiệm, kén khán giả nhưng cũng nên đặt mục tiêu xây dựng những phim có chất lượng, thậm chí xuất sắc mà vẫn được khán giả đón nhận, theo đó thị hiếu khán giả cũng được nâng cao dần. Đông đảo khán giả Việt Nam chỉ biết tới phim ở rạp, chúng ta không nên chê trách khán giả, mà phải tự đặt câu hỏi với mình, tại sao lại làm phim mà khán giả không hiểu. Nếu làm phim để thể hiện tâm tư, suy nghĩ của riêng tác giả, nhưng lại không đồng cảm với thời đại hôm nay, thì khán giả sẽ thờ ơ, xa lánh.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp của Đập cánh giữa không trung, một phim nghệ thuật nhận nhiều giải thưởng trong nước lẫn quốc tế và “chạm” khá trúng tâm tư, tình cảm của khán giả trẻ, nhận định: Phát hành phim nghệ thuật thuần túy lúc nào cũng khó khăn. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước có nền điện ảnh tiên tiến cũng vậy, phim hay không chắc đạt lợi nhuận khổng lồ. Mặc dù vậy, điện ảnh thế giới vẫn tôn vinh những nhà làm phim nghệ thuật – phim tác giả, họ cho rằng đó là tiếng nói cá nhân cần được tôn trọng và nhìn nhận.

Một nền điện ảnh nếu chỉ chú trọng phim thị trường mà không có phim nghệ thuật chất lượng cao thì sẽ thiếu đi bản sắc, vị thế. Bên cạnh việc nâng cao thị hiếu khán giả, rất cần có những chính sách hỗ trợ phim nghệ thuật về khâu phát hành, đào tạo nhân lực… Một số nền điện ảnh nghệ thuật có dấu ấn mạnh mẽ trên thế giới như Pháp, Hàn Quốc đều có chính sách hỗ trợ điện ảnh, như quỹ bảo trợ, rạp chiếu riêng.

Ở nước ta, mặc dù Cục Điện ảnh đã xây dựng đề án trình Chính phủ với nhiều nỗ lực cho ra đời Quỹ Hỗ trợ điện ảnh, song do còn nhiều vướng mắc liên ngành chưa được tháo gỡ, cho nên chưa thể thông qua. Thế mới có chuyện bi hài, dòng phim nghệ thuật còn có thêm tên gọi nữa: “phim sứ quán”, do tác giả thường phải vận động, thuyết phục các quỹ văn hóa – nghệ thuật của các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam tài trợ. Rồi đến việc chiếu phim cũng lại liên hệ các tổ chức văn hóa, như Viện Gớt, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp…

Một hướng đi khác, dễ triển khai và ít tốn kém hơn, là việc đưa phim nghệ thuật lên sóng truyền hình. Nhưng thời điểm này, mới chỉ có một kênh xem phim theo yêu cầu là Danet (thuộc Công ty TNHH Hãng phim Việt, do Công ty BHD điều hành), mạnh dạn giới thiệu dòng phim nghệ thuật, với một số phim được cập nhật và được đánh giá cao tại các LHP nghệ thuật danh tiếng của thế giới.

Dù gặp nhiều khó khăn, phim nghệ thuật vẫn là thành phần không thể thiếu của điện ảnh. Không thể phủ nhận, những bộ phim nghệ thuật đã góp phần đưa văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam ra khu vực và thế giới, thể hiện tiềm năng mạnh mẽ, mang lại niềm tự hào cho người làm nghề nói riêng, khán giả yêu điện ảnh nói chung. Đảo của dân ngụ cư sắp tới sẽ lại “lên đường” tranh giải chính thức tại LHP quốc tế Á – Âu (Eurasia International Film Festival), diễn ra từ ngày 22 đến 28-7 tại Ca-dắc-xtan. Điện ảnh Việt Nam cần nhiều hơn những bộ phim có chiều sâu, sức lan tỏa, và để làm được điều đó cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội, sự đồng cảm, ủng hộ của khán giả. Bản thân các nhà làm phim cần không ngừng trau dồi, học hỏi, thay đổi tư duy, để tạo ra các tác phẩm phong phú, có chất lượng, vươn đến tầm cao hơn.

Nguồn Nhân dân