NASA xác định 5.000 hành tinh khác chắc hẳn có sự sống
Tuyên bố mới của NASA cho hay cuộc săn tìm các thế giới ngoài hành tinh kéo dài 30 năm đã đem về số ngoại hành tinh vượt mốc 5.000 và “không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ tìm thấy một loại sự sống nào đó, ở đâu đó”.
Tờ SciTech Daily trích lời NASA cho biết các hành tinh được tìm thấy bao gồm các thế giới nhỏ, nhiều đá như Trái Đất, các gã khổng lồ khí lớn hơn nhiều lần so với Sao Mộc và cả những “Sao Mộc nóng” bay quanh sao mẹ với quỹ đạo như tự thiêu đốt chính mình, và cũng có những siêu Trái Đất đá, tiểu Hải Vương Tinh…
Bộ sưu tập ngoại hành tinh của NASA đã vượt mốc 5.000 với nhiều hành tinh giống hoặc rất khác các hành tinh trong hệ Mặt Trời – Ảnh đồ họa từ NASA/JPL Caltech
Tiến sĩ Jessie Christiansen, trưởng nhóm khoa học của kho lưu trữ hành tinh và là nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học ngoại hành tinh của NASA, cho biết: “Đó không chỉ là con số. Mỗi hành tinh trong số đó là một thế giới mới.”
Họ đã tìm thấy những hành tinh tồn tại quanh những dạng sao “không thể tin nổi”, ví dụ 3 hành tinh quay quanh một ngôi sao xung.
“Không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ tìm thấy một dạng sống nào đó, ở đâu đó, có thể là một dạng nguyên thủy nào đó. Mối liên hệ chặt chẽ giữa hóa học sự sống trên Trái Đất và các yếu tố hóa học được tìm thấy trong vũ trụ, cũng như việc tìm thấy các phân tử hữu cơ phổ biến, cho thấy việc phát hiện ra bản thân sự sống chỉ là vấn đề thời gian” – tiến sĩ Alexander Wolszczan, nhà khoa học Ba Lan là tác giả của bài báo khoa học xác nhận những ngoại hành tinh đầu tiên 30 năm trước, nhận định.
Hiện nay, chiến binh săn tìm ngoại hành tinh chủ lực của NASA vẫn là TESS, được phóng vào năm 2018.
Kính viễn vọng không gian James Webb vừa được phóng lên gần đây sẽ làm nhiệm vụ nghiên cứu khí quyển của các hành tinh có tiềm năng sở hữu sự sống thông qua quang phổ của chúng.
Kính viễn vọng không gian Nancy Grace Roman, dự tính phóng năm 2027, sẽ thực hiện những khám phá mới về ngoại hành tinh bằng những phương pháp khác nhau. Ngoài ra còn sứ mệnh ARIEL của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu), cũng sẽ tiếp bước James Webb tìm hiểu bầu khí quyển của các ngoại hành tinh.
Nguồn: NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.