Nét mới ở Chuông vàng vọng cổ 2016
Sau hơn một tháng tuyển chọn trên khắp cả nước, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (CVVC) 2016 đã nhận được sự hưởng ứng của 316 thí sinh. Ban tổ chức đã chọn được 40 giọng ca vào thi vòng tuyển chọn (trong đó có 4 thí sinh được đặc cách từ cuộc thi CVVC 2015). Năm nay, cuộc thi có nhiều nét mới, từ tiêu chí bình chọn, đến cách thức dàn dựng các đêm thi tài, có nhiều nhân tố mới, trẻ tuổi (2 thí sinh mới 16 tuổi)…
Từ sân chơi Chuông vàng vọng cổ, hàng loạt gương mặt trẻ có tố chất được phát hiện, bồi dưỡng và dần tỏa sáng trong các chương trình nghệ thuật sau cuộc thi
Dưỡng nuôi sân chơi truyền thống
Tính đến nay, cuộc thi CVVC do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức đã duy trì được hơn 10 năm. Đó là quãng đường làm nghệ thuật nhiều chông gai và không ít thử thách dành cho ê kíp thực hiện chương trình để cuộc thi ngày càng hấp dẫn, thu hút được nhiều nhân tố mới, giọng ca hay tham gia, giúp bổ sung thêm những tài năng trẻ vào đội ngũ nghệ sĩ cải lương nước nhà, góp phần tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng và sân khấu cải lương nói chung; tích cực làm sôi nổi hoạt động tổ chức biểu diễn, phục vụ công chúng. Và sau hơn 10 năm, cuộc thi CVVC đã trở thành một sân chơi nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, bổ ích, giúp khích lệ giới trẻ tìm đến, cùng tìm hiểu, quý trọng, giữ gìn và chung tay phát huy những giá trị vô giá của bộ môn cải lương – một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, thấm đẫm tinh thần văn hóa Việt.
Từ sân chơi nghệ thuật truyền thống này, hàng loạt gương mặt trẻ yêu mến sân khấu cải lương, thích vọng cổ, có tố chất nghệ sĩ được phát hiện, bồi dưỡng và dần tỏa sáng trong các chương trình nghệ thuật sau cuộc thi. Trong đó, có những gương mặt nổi bật như: Lê Văn Gàn, Võ Minh Lâm, Hồ Ngọc Trinh, Nguyễn Ngọc Đợi, Võ Thanh Phê, Bùi Trung Đẳng, Trần Thị Thu Vân, Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Minh Trường… Không chỉ vậy, nhằm giúp những gương mặt nghệ sĩ trẻ có thêm điều kiện để hoạt động nghề, nâng cao chuyên môn, tiếp cận gần hơn với khán giả, ban tổ chức cuộc thi đã cố gắng duy trì chương trình Ngân mãi chuông vàng, mỗi tháng diễn một lần tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM.
Thí sinh Võ Thanh Tiền (TPHCM) và Huỳnh Tiểu Nhi (Sóc Trăng), hai trong bốn thí sinh được đặc cách vào vòng tuyển chọn cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2016
Sức hút của cuộc thi
Cuộc thi năm nay do NSƯT – đạo diễn Lê Thụy đảm nhiệm vai trò dàn dựng. Đạo diễn Lê Thụy cho biết: “Tôi rất vui khi đảm nhiệm trọng trách đạo diễn cuộc thi năm nay. Tuy nhiên, việc bắt tay dàn dựng cuộc thi CVVC 2016 là một đề tài cực kỳ khó, vì phải xây dựng sân khấu các đêm thi hội đủ các yếu tố tân – cổ, truyền thống – hiện đại. Tôi dự tính sẽ đưa cả âm nhạc thính phòng và nhạc trẻ vào trong dàn dựng, nhưng vẫn giữ được bản sắc rất riêng của nghệ thuật dân tộc, tạo nên một sân khấu hài hòa và độc đáo, lôi cuốn người xem”.
Năm nay, các thí sinh tập trung tại địa điểm duy nhất ở TPHCM nên vòng chung kết khu vực được đổi tên là vòng tuyển chọn. Bài dự thi của thí sinh không bắt buộc về mặt cấu trúc (ca 2 câu vọng cổ) mà do thí sinh tự chọn. Ban giám khảo (BGK) vòng tuyển chọn gồm có: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quế Trân sẽ không chấm điểm mà tranh luận và trao đổi để chọn ra những thí sinh có giọng ca vượt trội bước tiếp vào vòng trong. Với sự đổi mới này, thí sinh sẽ biết rõ mình bị loại vì lỗi gì để rút kinh nghiệm. Sẽ có 12 thí sinh xuất sắc nhất được tuyển chọn vào vòng chung kết xếp hạng.
Ở vòng chung kết xếp hạng, BGK vòng tuyển chọn sẽ trở thành huấn luyện viên (HLV) để đồng hành hướng dẫn cho các thí sinh về chuyên môn, cách phát âm, nhả chữ, sắp nhịp, phân câu, tiết tấu, kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo, hình thể… để có thể hoàn thiện nội dung thi của từng em. Ở 4 đêm thi xếp hạng, bên cạnh các HLV còn có Hội đồng nghệ thuật gồm: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Minh Vương.
Thí sinh đoạt giải Chuông Vàng sẽ nhận được cúp, giấy chứng nhận và tiền thưởng trị giá 50 triệu đồng.
|
|
Nguồn SGGP Online
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.