Nếu băng trên trái đất tan hết…
Nhiều người không khỏi lo lắng khi hay tin một trong những tảng băng lớn nhất thế giới – có kích thước khoảng 5.800 km2 và nặng khoảng 1.000 tỉ tấn – vừa tách khỏi thềm băng Larsen C tại Nam Cực vào tuần rồi
Dù tách khỏi thềm băng chính nhưng tảng băng – được đặt tên là A68 – vẫn giữ nguyên vị trí, có thể do nó gắn liền với các cấu trúc bên dưới mặt nước hoặc tác động của dòng hải lưu và gió.
Sau diễn biến này, các nhà nghiên cứu tiếp tục phát hiện những vết nứt mới tại thềm băng Larsen C, dẫn đến không ít nỗi lo giữa lúc tình trạng tan băng ngày một nhanh chóng đang làm gia tăng mực nước biển và thay đổi các bờ biển trên thế giới.
Một số nhà nghiên cứu đánh giá vẫn chưa có gì đáng lo từ những vết nứt mới này. Tuy nhiên, rắc rối sẽ xuất hiện nếu sự tách ra của A68 hoặc những vết nứt mới khiến thềm băng Larsen C trở nên mất ổn định và sụp đổ, như những gì xảy ra với thềm băng Larsen A vào năm 1995 và Larsen B năm 2002. Khi đó, băng sẽ trôi ra biển và tan chảy, khiến mực nước biển dâng cao.
Nhiều nhà khoa học cho rằng tình trạng toàn cầu ấm dần lên đã góp phần dẫn đến 2 vụ sụp đổ thềm băng nêu trên.
Ông Bryn Hubbard, Giám đốc Trung tâm Khoa sông băng tại Trường ĐH Aberystwyth (Anh), tiến hành nghiên cứu tại thềm băng Larsen C Ảnh: Dự án MIDAS
Hiện nay, trên trái đất có hơn 5 triệu m3 băng. Một số nhà khoa học ước tính phải mất hơn 5.000 năm để toàn bộ số băng này tan chảy. Thế nhưng, trong thế hệ tiếp theo, một số thành phố có nguy cơ không còn tồn tại nếu các quốc gia không hành động để giảm đáng kể lượng khí thải carbon.
Theo tạp chí National Geographic (Mỹ), nếu tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch và thải khí carbon trên thế giới không được kiểm soát, biến đổi khí hậu cuối cùng sẽ làm tan chảy toàn bộ băng ở các cực và trên núi. Một kịch bản như thế sẽ khiến mực nước biển toàn cầu tăng gần 66 m, nhấn chìm không ít thành phố ven biển.
Khi đó, TP Miami cùng với toàn bộ vùng ven biển ở bờ Đông Mỹ sẽ nằm dưới mực nước biển. Châu Âu sẽ phải nói lời tạm biệt với thủ đô London – Anh, TP Venice – Ý và cả quốc gia Hà Lan. Nước biển dâng cao cũng sẽ “nuốt chửng” cả Bangladesh – nơi đang có hơn 160 triệu người sinh sống, TP Kolkata – Ấn Độ và TP Thượng Hải – Trung Quốc.
Chịu chung số phận, Úc sẽ mất nhiều vùng đất ven biển, nơi khoảng 80% dân số đang sinh sống. Tại Nam Mỹ, 2 lưu vực sông Amazon và sông Paraguay sẽ biến mất, nhấn chìm thủ đô Buenos Aires – Argentina và phần lớn lãnh thổ Paraguay.
Châu Phi không mất nhiều lãnh thổ về tay nước biển như các lục địa khác. Tuy nhiên, những đợt nóng khắc nghiệt sẽ khiến nhiều khu vực tại châu lục này trở thành “vùng đất chết”.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.