Ngăn đậu mùa khỉ lan ra cộng đồng
Chuyên gia y tế cho rằng không quá hoang mang với bệnh đậu mùa khỉ, nhưng cũng không chủ quan mà cần có biện pháp ứng phó phù hợp với nguy cơ
Không dễ lây nhiễm
Sở Y tế TP HCM cho biết thành phố vừa ghi nhận thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca mắc đậu mùa khỉ tại thành phố tính đến nay là 13 ca. 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới này ghi nhận trong ngày 6-10. Trong số những ca mắc, có một ca được phát hiện tại Đài Loan – Trung Quốc vào tháng 7-2023 và 2 ca là trường hợp xâm nhập. Hiện các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đang được cách ly để theo dõi, điều trị. Sức khỏe của các bệnh nhân ổn định. Như vậy, tính đến nay, tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 15 ca nhiễm bệnh đầu mùa khỉ, trong đó có 13 ca tại TP HCM và 2 ca ở Bình Dương.
Ngành y tế TP HCM đang tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức để giám sát tình hình dịch bệnh trong thành phố và các khu vực lân cận, sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra. Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Phân tích về nguy cơ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết qua quan sát sự lưu hành của dịch đậu mùa khỉ cho thấy đến nay bệnh chủ yếu lưu hành ở châu Phi như một số căn bệnh: Ebola, sốt vàng… Ở các nước khác ngoài khu vực có ghi nhận các ca bệnh xâm nhập và thường không bùng phát thành dịch.
“Năm 2022, khi đậu mùa khỉ xuất hiện ở châu Âu, một số nước châu Mỹ, châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng dấy lên lo ngại về khả năng bùng dịch như COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh đã không bùng phát mạnh, vẫn chỉ lây trong cộng đồng hẹp và triệu chứng không nặng như đậu mùa trước đây. Đến năm nay, dịch chỉ lây nhiễm trong một cộng đồng hẹp và không bùng phát quá mạnh ngoài khu vực châu Phi. Tại các nước có sự gia tăng mạnh số ca bệnh đậu mùa khỉ mới đây như Thái Lan, Trung Quốc, hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới” – PGS Phu đánh giá.
Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan cho tất cả mọi người trong cộng đồng, chỉ dễ lây lan trên một số nhóm người có nguy cơ như đồng tính nam (MSM), người song giới, người có nhiều bạn tình quan hệ tình dục không an toàn, không bảo vệ bằng bao cao su… Cùng với đó, bệnh này có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hình thức giọt bắn và qua dịch tiết. Do vậy, người dân khi đã tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, nếu có các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ thì cần đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định và chủ động cách ly, tránh lây cho người khác.
Có thể tiêm vắc-xin phòng đậu mùa để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Chủ động kiểm soát dịch
PGS Trần Đắc Phu cũng lưu ý cần tiếp tục tăng cường giám sát cửa khẩu, người đi từ vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác. Việc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong khoanh vùng, cách ly, tránh lây lan.
So với thủy đậu, đậu mùa khỉ có triệu chứng khá giống nhau. Để phân biệt, đậu mùa khỉ có xuất hiện hạch còn thủy đậu người bệnh không lên hạch nhiều. Đậu mùa khỉ xuất hiện từ mặt và vết rỗ sâu hơn. Với thủy đậu, dịch sẽ bùng phát rất mạnh, lây lan ra cả cộng đồng. Trong khi đó, đậu mùa khỉ như ghi nhận tại Việt Nam chỉ có những ca lẻ.
PGS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang vì bệnh đậu mùa khỉ vẫn khó lây hơn những bệnh truyền nhiễm khác nhưng vẫn phải cảnh giác, chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh, dự phòng cá nhân. “Xét về rủi ro và lợi ích, tại thời điểm này, chúng ta chưa cần đặt ra vấn đề tiêm vắc-xin và người dân cần chủ động thực hiện phòng chống dịch như các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục chia sẻ thông tin với quốc tế để có những biện pháp phòng, chống dịch” – PGS Trần Đắc Phu nói.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.