Ngành Nội chính Đảng 50 năm xây dựng và phát triển

Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, có nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cho phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn cách mạng của nước ta, nhưng ở giai đoạn nào, ngành Nội chính Đảng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, từng bước trưởng thành và phát triển, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: Hiền Hòa)

Hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao

Công tác nội chính luôn được Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm toàn diện về nội chính, đặt nền móng cho công tác nội chính và nền dân chủ – pháp quyền của nước ta.

Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng Nhà nước và pháp luật, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng đã sớm thành lập, củng cố và kiện toàn cơ quan tham mưu của Đảng về lĩnh vực nội chính.

Ngày 05-01-1966, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 133-NQ/TW thành lập Ban Pháp chế Trung ương – tổ chức tiền thân của Ban Nội chính Trung ương ngày nay. Đó là mốc son đánh dấu sự ra đời chính thức của ngành Nội chính Đảng.

Ngay từ thời gian đầu mới được thành lập, trong điều kiện hết sức khó khăn, đất nước bị chia cắt hai miền, thù trong, giặc ngoài ráo riết chống phá, là thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở miền Nam và chống chiến tranh phá hoại leo thang ở miền Bắc diễn ra quyết liệt. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ban Pháp chế Trung ương đã tham mưu có hiệu quả cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường pháp chế XHCN, nhất là tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác xây dựng, tuyên truyền và giáo dục pháp luật. Đã nghiên cứu, thẩm định trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo Ủy Ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân; chủ trì, phối hợp cùng các ngành dự thảo 03 Sắc luật cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam về Tổ chức ngành Tòa án và Kiểm sát; bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật; các tội phạm và hình phạt. Nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị về Chương trình lập pháp dài hạn, thành lập Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ, tái lập Ủy ban Thanh tra Chính phủ; xây dựng và phối hợp triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục pháp luật,… Kết quả hoạt động của Ban Pháp chế Trung ương trong thời gian này đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu mới của cách mạng, ngày 17- 9 -1979, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 48-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Ban Nội chính Trung ương, trên cơ sở kế thừa chức năng, nhiệm vụ và cán bộ của Ban Pháp chế Trung ương, bổ sung nhiệm vụ tham mưu lãnh đạo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành nội chính; đồng thời quy định về việc thành lập ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Đây là giai đoạn phát triển mới của Ngành Nội chính Đảng. Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Hiến pháp năm 1980; kiến nghị thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, tái lập Bộ Tư pháp và thúc đẩy việc triển khai thành lập Sở Tư pháp các địa phương. Cùng ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy phối hợp, tham mưu phá tan nhiều vụ án lớn về an ninh và kinh tế; tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; hoàn thành tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đấu tranh chống tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng, theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa IV.

Bước sang thời kỳ đổi mới đất nước, Ban Nội chính Trung ương được xác định là cơ quan tham mưu chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, đối với các ngành Nội chính và lĩnh vực an ninh – trật tự, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Trong giai đoạn 1986 – 2007, Ban Nội chính Trung ương và ngành Nội chính Đảng đã chủ trì, phối hợp tham mưu có hiệu quả cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội ban hành nhiều đạo luật quan trọng về lĩnh vực nội chính và cải cách tư pháp; nhất là điều chỉnh chức năng của Viện kiểm sát nhân dân vào việc tập trung thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chuyển giao nhiệm vụ quản lý Tòa án địa phương từ Bộ Tư pháp về Tòa án nhân dân tối cao; tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện; thu gọn đầu mối các cơ quan điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đề cao vai trò của người bào chữa. Phối hợp, tham mưu chỉ đạo giải quyết nhiều vụ án, nhiều vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Trong giai đoạn 2007-2012, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Đảng, Ban Nội chính Trung ương hợp nhất vào Văn phòng Trung ương Đảng và thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Trong giai đoạn này, Văn phòng Trung ương và ngành Nội chính Đảng đã nghiên cứu, thẩm định, tham mưu Bộ Chính trị về chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa, hàng năm của Quốc hội, các dự án luật do Đảng đoàn Quốc hội trình xin ý kiến Bộ Chính trị; chủ trì, phối hợp tham mưu sơ kết, tổng kết, ban hành một số chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phối hợp, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính ở các vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, và xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định của pháp luật.

Để đáp ứng yêu cầu công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Phát huy truyền thống “Trung thành – Liêm chính – Bản lĩnh – Tận tụy”

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương  cho biết, từ ngày được tái lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương và ngành Nội chính Đảng đã phát huy truyền thống, vượt qua khó khăn, nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác. Đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chọn những lĩnh vực trọng tâm, những khâu, những việc khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Ban Nội chính Trung ương đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn những vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Vừa chủ động tham mưu về định hướng, chủ trương xử lý, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng; vừa tích cực theo dõi, đôn đốc, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng đã được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Việc đẩy nhanh tiến độ và xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tham nhũng, được nhân dân đồng tình, tăng thêm niềm tin vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Tỉnh ủy Bắc Giang. (Ảnh: Hiền Hòa)

Cùng với đó, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng; qua kiểm tra, giám sát, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp, dư luận quan tâm được chỉ đạo, xử lý dứt điểm. Đồng thời tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo chỉ đạo khắc phục việc cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng; vướng mắc trong công tác giám định tư pháp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…

Ban Nội chính Trung ương cũng đã tham mưu sơ kết, tổng kết, thẩm định và ban hành các chỉ thị, nghị quyết, đề án của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng; tham gia có hiệu quả vào hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương.

Với nhiệm vụ của mình, Ban Nội chính Trung ương cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng và công tác nội chính. Tham gia thẩm định về công tác cán bộ trong các cơ quan nội chính. Tăng cường nghiên cứu khoa học, hội thảo chuyên đề và hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Ở địa phương, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành chức năng, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, được cấp ủy và các ban, ngành đánh giá cao, bước đầu tạo niềm tin của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý các tình hình nội chính phức tạp.

Đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định, nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù có nhiều biến động, thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cho phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn cách mạng của nước ta, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngành Nội chính Đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từng bước trưởng thành và phát triển. Những kết quả, thành tích của ngành Nội chính Đảng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Trải qua 50 năm xây dựng, trưởng thành, cán bộ, công chức, nhân viên ngành Nội chính Đảng đã hun đúc nên truyền thống tốt đẹp: “Trung thành – Liêm chính – Bản lĩnh – Tận tụy”.

Ghi nhận những thành tích của ngành Nội chính Đảng trong những năm qua, Ban Nội chính Trung ương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác./.

Nguồn ĐCSVN