Ngành Y tế Tiền Giang tự hào truyền thống 70 năm
(THTG) Năm 2025, ngành Y tế Tiền Giang có nhiều thành tựu đầy tự hào trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhìn lại hành trình phát triển của ngành Y tế Tiền Giang từ giai đoạn chiến tranh đến nay, càng tự hào hơn về sự kiên cường của những bác sĩ cũng là chiến sĩ bảo vệ thương binh, người dân, quê hương đất nước.
Ngành Y tế Tiền Giang luôn tự hào về truyền thống vẻ vang 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Trong suốt hành trình phát triển của mình, trải qua bao khó khăn, thử thách, vẫn luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, yêu nghề, yêu người để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình: “Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân”.
Phẫu thuật cho bệnh nhân.
Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc, có hơn 120 “chiến sĩ áo trắng” của quê hương Tiền Giang đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cứ như thế, ký ức khốc liệt mà đầy tự hào của ngành y tế trong chiến tranh phần nhiều hiện hữu trên những hình ảnh, trang tư liệu lịch sử. Và thật đáng quý về hồi ức của những cán bộ y tế Tiền Giang qua các thời kỳ, những nhân chứng năm xưa đã có thời gian chăm sóc thương bệnh binh ở chiến trường. Hồi ức về 2 ngành Quân y và Dân y thực hiện nhiệm vụ chung phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thương binh, bệnh binh.
Hồi ức về các tấm gương sáng của các nữ liệt sĩ ngành Y được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Thị Bờ, nguyên là Trưởng Ban Dân y huyện Tây, tỉnh Gò Công, hy sinh vào tháng 10-1969; liệt sĩ Lê Thị Lệ Chi và liệt sĩ Lê Thị Ngọc Tiến quê ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, hy sinh vào tháng 4-1972.
Trong những năm tháng đầu sau giải phóng, ngành Y tế Tiền Giang đối mặt với vô vàn khó khăn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men cho đến nhân lực, chỉ có 1 bộ dụng cụ đại phẫu, và chưa có nhiều chuyên khoa sâu. Từ tháng 4-1976, Ty Y tế Tiền Giang được thành lập. Thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có chưa đầy 20 bác sĩ, cán bộ y tế, chủ yếu là y sĩ và y tá; khoảng 50% xã trong tỉnh có trạm y tế.
Mười năm (1975-1985) chặng đường đầu tiên của ngành Y tế với bao khó khăn thử thách, nhiều vấn đề đi từ không đến có, từ khó đến dễ, từ ít đến nhiều. Những thiếu thốn về nhân lực, trang thiết bị, chế độ đãi ngộ mà không làm nản lòng cán bộ, nhân viên y tế. Mọi nẻo đường, xóm, ấp, nhà dân đều có bước chân của cán bộ Y tế, bám trụ chăm lo phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trao giải thưởng Hội thi tay nghề bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại Bệnh viện đa khoa Tiền Giang.
Đến năm 1985, toàn ngành Y tế tỉnh nhà có 4.729 cán bộ y tế, trong đó, có 102 bác sĩ, 50 dược sĩ đại học, phần nào đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Tiền Giang trở thành lá cờ đầu cả nước trong phong trào “5 dứt điểm”, “trồng và sử dụng thuốc Nam”, “Đông Nam y kết hợp”, “3 công trình vệ sinh”…
Chuyển sang giai đoạn 1986-2015: y tế Tiền Giang đột phá, đầu tư nguồn lực từ ngân sách và các dự án quốc tế hiệu quả, phát triển vững chắc, vượt bậc. Theo đó, đến năm 2015, toàn tỉnh có 4.069 giường bệnh (19 giường/vạn dân), 90,1% Trạm Y tế có Bác sĩ.
Vận động, tranh thủ và thực hiện rất hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật từ các Dự án Quốc tế với tổng kinh phí các Dự án khoảng 15 triệu đô la Mỹ cho các dự án sức khỏe cộng đồng. Đồng thời thực hiện tốt, đạt các mục tiêu, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Hiện nay, ngành có có 7,84 BS/vạn dân (chỉ tiêu 7,8 BS/vạn dân) 1,8 DS/vạn dân (đạt 100% chỉ tiêu); có 5.836 nhân lực; trong đó có 01 Giáo sư và 12 tiến sĩ, 82 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 342 bác sĩ chuyên khoa cấp I và thạc sĩ bác sĩ. Chủ tịch nước phong tặng 02 Thầy thuốc Nhân dân và 202 Thầy thuốc Ưu tú.
Hiện nay, Y tế Tiền Giang có bước phát triển mạnh mẽ: Đầu tư vào trang thiết bị y tế hiện đại. Đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, hướng đến làm chủ hầu các kỹ thuật y học tiên tiến đồng thời chủ động, sáng tạo ra nhiều phương pháp điều trị mới.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Những thành tựu ngành y tế Tiền Giang đã đạt được là kết quả nỗ lực, cố gắng của nhiều thế hệ thầy thuốc, các y bác sỹ, các cán bộ, nhân viên ngành Y tế: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Chủ tịch nước khen tặng. Các đơn vị y tế nhận những danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng 3; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Trong dòng chảy lịch sử 70 năm truyền thống Thầy thuốc Việt Nam, ngành Y tế Tiền Giang nối tiếp sứ mệnh – Vươn tới tương lai với niềm tự hào, vinh dự, kế thừa truyền thống vẻ vang, hào hùng và sẽ đoàn kết, toàn tâm, toàn ý, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục phát triển y tế toàn diện, chuyên sâu, hiện đại lên tầm cao mới. Đồng thời đón đầu, tiếp nhận những thành tựu y tế, khoa học công nghệ, hội nhập với nền y tế thế giới để xứng đáng với nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thanh Xuân – Anh Tuấn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.