Ngày áo dài: Nên hay không?
Đề xuất lấy ngày 8-3 làm Ngày áo dài tại TP HCM do Sở Du lịch TP HCM trình UBND TP HCM đang trở thành đề tài bàn luận của nhiều người. Không chỉ có công chúng mà cả những người trong giới cũng đặc biệt lưu tâm đến đề xuất này, nhất là khi áo dài được chọn làm quốc phục. Có nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng không ít ý kiến tỏ ra ái ngại.
Nhà thiết kế áo dài Thuận Việt chia sẻ: “Nếu điều đó trở thành sự thật thì quả là điều thú vị. Ngày áo dài không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc mà còn là điểm nhấn văn hóa hấp dẫn, thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài. So với nhiều nước, ngày văn hóa, điểm nhấn văn hóa của chúng ta không nhiều nên Ngày áo dài có thể trở thành nét văn hóa thu hút du khách quốc tế. Vì vậy, tôi luôn ủng hộ có một ngày như thế”.
Nhà thiết kế Võ Việt Chung cho rằng: “Quy định một ngày mặc áo dài với tôi là quá ít”. Với một người xem áo dài là “đạo” như nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng, đó là đề xuất đúng đắn bởi nếu có một ngày như thế, đông đảo người dân TP HCM mặc áo dài ra phố, đến công sở, giảng đường… thì không tưởng tượng được quang cảnh sẽ đẹp đến mức nào. “Ấn tượng của du khách về một Hội An thắp cả ngàn đèn lồng như thế nào vào Đêm phố cổ thì cũng sẽ ấn tượng như thế đối với Ngày áo dài ở TP HCM” – nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhận định.
Những người kinh doanh dịch vụ du lịch cũng nhiệt tình tán thành đề xuất Ngày áo dài. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Dã ngoại Lửa Việt, nói: “Với du khách nước ngoài, hình ảnh đất nước Việt Nam gắn liền với 2 biểu tượng: áo dài và nón lá. Nếu cùng lúc được thấy tất cả mọi người mặc áo dài, đội nón lá, chắc chắn đó là một hình ảnh ấn tượng trong tâm trí họ khi nói về Việt Nam. Trước đây, Việt Nam cũng đã từng có những hình ảnh như thế trên đường phố nên việc có một ngày mà đông đảo người dân TP HCM mặc áo dài ra đường, đến công sở là quá tuyệt vời. Tôi tin rằng khi đã trở thành một ngày hội, một ngày văn hóa, du khách sẽ tìm đến để được trải nghiệm như họ thường xuyên tìm đến những đất nước khác để trải nghiệm nét văn hóa độc đáo ở đó”.
Dù vậy, kể cả những người ủng hộ đề xuất này cũng phải đồng tình với những ý kiến tỏ ra e ngại rằng: “Đó là một đề xuất khó khả thi”. Nhà thiết kế Thuận Việt nói: “Chỉ có thể hy vọng bởi nó cũng khá xa vời”. Chị Hồ Lan Vy, Giám đốc Công ty Du lịch Kiwitravel, nêu ý kiến: “Với bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào, tôi tin ai cũng thích mặc áo dài cả nhưng nếu bắt buộc phải mặc trong một ngày cố định thì điều đó có vẻ hoang đường bởi có những công việc mặc áo dài thực sự bất tiện. Trong những ngày lễ, Tết, áo dài thực sự là trang phục cần thiết và bất cứ ai cũng muốn mặc nhưng trong ngày thường thì không hẳn đem lại sự tự tin, thoải mái cho mọi người. Hơn nữa, nếu xét về góc độ kinh doanh du lịch, việc chọn ngày 8-3 làm ngày mặc áo dài không thể tác động tăng lượng du khách bởi đó không phải là khoảng thời gian làm tour”. Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Mỹ khẳng định: “Rất khó để buộc mọi người phải mặc áo dài vào một ngày cố định vì sẽ có người thích hoặc không thích mặc. Thay vì quy định một ngày như thế nên kêu gọi, động viên học sinh, sinh viên và nhân viên công sở, đặc biệt là lãnh đạo nên mặc trước nhằm tạo thói quen để mọi người làm theo”.
Thực tế, người Việt đều ý thức rõ giá trị văn hóa cũng như ý nghĩa truyền thống của áo dài nhưng chỉ thích mặc nó ở những thời điểm phù hợp. Cựu giảng viên Khoa Mỹ thuật Trường ĐH Kiến trúc Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: “Chọn 8-3 làm Ngày áo dài là một ý tưởng quá hay vì đó là ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhưng tâm lý chung không hẳn ai cũng muốn mặc bởi đó không phải là ngày nghỉ như những ngày lễ trọng đại khác trong năm. Tôi luôn ủng hộ có một ngày người dân TP HCM đồng loạt mặc áo dài nhưng có lẽ quy định vào một ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc sẽ được mọi người hưởng ứng hơn”.
Thực ra, thời gian gần đây, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền, hình ảnh phụ nữ mặc áo dài xuất hiện nhiều trên đường phố. Những bộ ảnh du xuân của những cô gái thường gắn với chiếc áo dài thướt tha. Vì vậy, tổ chức Ngày áo dài là cần thiết bởi sẽ làm nên nét đẹp văn hóa của không gian đô thị nhưng không bắt buộc mà nên vận động mọi người tự nguyện tham gia. Một khi Ngày áo dài Việt Nam trở thành nét đẹp văn hóa thì cuốn hút mọi người tham gia một cách tự nguyện.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.