Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2013: Tuổi 18 miền Tây đi chọn trường

      Từng nhóm các cô cậu học sinh mặc đồng phục với đủ màu sắc, hình vẽ hồ hởi kéo nhau đi nghe tư vấn tuyển sinh, làm trắc nghiệm trên máy, ngồi bàn luận.

                      

Sân Trường ĐH Cần Thơ ngày chủ nhật 3-3, ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2013 với hơn 25.000 học sinh, nhộn nhịp từ sáng sớm tới chiều.

Tìm một động lực

Một bạn gửi đến ban tư vấn câu hỏi khó: “Em muốn được vào đại học, nhưng em cảm thấy mình chưa có đủ động lực mạnh mẽ, các thầy cô có thể giúp em được không?”. Câu hỏi khiến tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai (trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) phải “hóa thân” thành một nhà tâm lý học: “Em phải tự đặt câu hỏi ấy cho mình. Năm nay mình 18 tuổi rồi, mục tiêu của mình là gì, để đạt được mục tiêu ấy thì cần phải làm gì? Vào đại học mới chỉ là một bước đầu tiên, thử thách đầu tiên mà thôi. Hãy tưởng tượng về một ngày mai của mình, làm gì, trở thành người thế nào… Đó sẽ chính là động lực của em”.

Rất nghiêm túc như Trịnh Cao Ngọc Trâm, học sinh Trường Tầm Vu, huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Chăm chú nghe và ghi chép lời các thầy cô tư vấn, Trâm còn tỉ mỉ đọc kỹ các ngành học thuộc khối D được giới thiệu trong tập Cẩm nang tuyển sinh. “Em chọn thi sư phạm, cả ở Trường ĐH Sài Gòn và ĐH Cần Thơ. Sau này làm cô giáo, trường nào nhận thì em sẽ dạy ở đó. Cả nhà nội em đều theo nghề sư phạm” – Trâm quả quyết.

Mới từ Phan Thiết quê nội chuyển vào Hậu Giang quê ngoại được hai năm sau khi cha mất, Trâm nhận xét thật tinh tế: “Có rất nhiều khác biệt khi từ miền Trung chuyển vào miền Tây. Các thầy cô ở đây gần gũi, thân thiện hơn khiến em cảm thấy rất ấm áp. Tuy nhiên các bạn thì có nhiều mối quan tâm khác, nhiều lựa chọn khác hơn là việc học, không giống học sinh miền Trung”.

Cùng tâm trạng với Ngọc Trâm, Cẩm Duyên đến từ Trường Giá Rai, Bạc Liêu, đã cố gắng đi khắp các gian tư vấn để tìm những trường có ngành dược. Đến khu vực tư vấn của nhóm ngành khoa học xã hội, y dược… vừa nghỉ chân, vừa nghe, vừa săm soi những bản tự giới thiệu của các trường, Duyên lo lắng, băn khoăn quay sang hỏi: “Năm ngoái ngành dược ĐH Cần Thơ lấy 18,5 điểm. Nếu em không đủ điểm thì sao?”. Hỏi rồi tự Duyên lại trả lời: “Không đủ điểm trường này em sẽ học trường khác, cùng ngành. Nếu không được nữa thì luyện tiếp để sang năm thi lại”.

Ngồi dưới nhìn các anh chị sinh viên điều khiển chương trình, ca hát, khởi động trên sân khấu, Duyên thì thầm: “Chắc mấy anh chị này học giỏi lắm. Trường ĐH Cần Thơ rộng, đẹp quá, nếu em được học ở đây, có ký túc xá trong trường chắc cha mẹ em an tâm”. Cha mẹ và hai anh trai của Duyên làm nghề chạy xe khách, không ai biết gì về môi trường đại học để gây dựng động lực cho bạn. Đầy lo lắng nhưng Duyên đã tự lo toan mọi việc: “Mấy đứa bạn rủ khi thi tốt nghiệp xong, còn một tháng thì lên Cần Thơ luyện thi. Nhưng em cũng nghe nói lên đây bạn bè rủ đi chơi hoài nên chắc thôi, em sẽ học ở Giá Rai đến khi thi”.

Hồn nhiên hơn các bạn gái, Lê Tuấn Khanh, Trường Thuận Hòa, Sóc Trăng, kể: “Nhà em ở tuốt trong ruộng, đạp xe ra trường học hơn 10km. Mà cũng nhờ vậy nên em sẽ được ưu tiên khu vực. Em mong được vào đại học, được ở ký túc xá lắm. Khu em ở chỉ có một, hai anh chị đang học ĐH An Giang thôi, nhưng mấy năm rồi tới hè, các anh chị sinh viên ở Sài Gòn, Cần Thơ về làm chương trình Mùa hè xanh. Các anh chị kể chuyện đi học, đi làm, công tác xã hội vui lắm. Gặp các anh chị ấy, em mong mình cũng được thành sinh viên…”.

Chọn ngành yêu thích

Vân Anh, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, Phong Điền, Cần Thơ, cứ chạy đi chạy lại giữa gian tư vấn gỡ rối và bàn trắc nghiệm bản thân. “Ngành em chọn ở Cần Thơ không có, em cũng muốn thử sức mình, muốn lên Sài Gòn học mà không biết có lên được không nữa, em hay khóc lắm, nhớ nhà lắm”. Gần như ngay lập tức, một câu hỏi được gửi lên: “Các thầy cô chỉ em cách làm sao khắc phục nỗi nhớ nhà để đi học xa?”. Vân Anh bật cười: “Thì ra không chỉ mình em lo chuyện đó”.

Các thầy cô đã chia sẻ bằng chính đời sống sinh viên xa nhà của mình trước đó mấy mươi năm với hàng trăm khó khăn, thiếu thốn, và bảo: “Các em giờ có nhiều phương tiện liên lạc hơn thời đó, giao thông cũng thuận tiện hơn trăm lần, lại có thêm rất nhiều mối quan tâm khác trong đời sống sinh viên, các em sẽ sớm vượt qua nỗi nhớ mẹ cha để thành người lớn thôi”. Ngồi dưới, Vân Anh gật đầu: “Em hiểu rồi. Em sẽ cố gắng”.

Hai bạn nữ khác chụm đầu bàn luận sôi nổi về việc nên chọn ngành mình thích hay ngành “hot” dễ có việc làm, thu nhập cao. Không kết luận được, một bạn chạy theo níu áo thầy cô tư vấn khi đã gần hết giờ. Lát sau cô gái quay lại quả quyết với bạn mình: “Kết luận là phải chọn ngành mình thích. Nếu làm việc mình không thích, dù cho kiếm được tiền nhưng tinh thần bị ức chế cũng không tốt. Làm việc mình thích, tinh thần thoải mái, làm việc tốt và kết quả là tăng được thu nhập. Đồng ý chưa?”. Hai cô gái đập bàn tay vào nhau rồi cùng nắm tay chạy đi, từ khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế chạy sang nhóm ngành xã hội.

Thảo Nguyên, Mai Giang Thu cùng học Trường THPT Thốt Nốt, Cần Thơ, ngồi nghiên cứu mãi các cuốn sách tư vấn tuyển sinh, so sánh các ngành học của ĐH Cần Thơ và ĐH Quốc gia TP.HCM rồi cùng kết luận: “Học ở Cần Thơ thì gần nhà, gia đình lại đỡ tốn kém, nhưng nếu được học ở TP.HCM chắc sẽ có nhiều cơ hội hơn”. Hai cô gái quyết sẽ học thật tốt các môn thi khối D để được đi Sài Gòn học. “Ba mẹ tụi em làm ruộng, nói con thích gì thì thi nấy, chỉ mong con gái đỡ khổ hơn cha mẹ là được”.

Đâu đâu trong ngày hội tuyển sinh cũng thấy những băngrôn với dòng chữ “Cùng bạn vào tương lai”. Đất miền Tây vẫn luôn “chờ sức người vươn”, và các cô gái chàng trai miền Tây tuổi 18 hôm nay đã vượt ra khỏi mơ ước khiêm nhường của cha mẹ để tự nắm lấy tương lai của mình.