Nghề nuôi cá bè trên sông: “Neo” hoặc bán bè vì mất “gối đầu”
Trước đây, thu hoạch mỗi bè cá, chủ bè nuôi cá trên sông Tiền ở TP. Mỹ Tho thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng, giờ đây thì ngược lại và nhiều chủ bè đã “neo bè hoặc bán bè để chuyển sang nghề khác, vì không muốn tiếp tục thua lỗ.
Chủ bè Đỗ Thanh Liêm, ấp Thới Thạnh, giờ không còn vốn để tái đàn. |
“Chới với” từ “gối đầu” sang tiền mặt
Thời gian trước, các doanh nghiệp bán thức ăn thủy sản “gối đầu” cho các chủ bè với các cách thức mà mỗi chủ bè đăng ký với doanh nghiệp. Nhưng từ ngày 1/11/2011, các doanh nghiệp đồng loạt chuyển đổi hình thức sang bán tiền mặt. Nhiều chủ bè không có vốn mua thức ăn duy trì đàn cá của mình phải cầm “bằng khoán” đất để vay ngân hàng; vay nóng bên ngoài với lãi suất cao; bán cá chưa đến thời điểm thu hoạch; giảm khẩu phần ăn của cá…
Chủ bè Nguyễn Thị Mỹ Lệ ở khu phố Tân Bình, phường Tân Long nuôi 10 bè cá, trung bình phải đầu tư tiền thức ăn là 6 triệu đồng/ngày. Từ khi các doanh nghiệp chuyển sang bán thức ăn bằng tiền mặt, gia đình chị Lệ đã mượn 200 triệu đồng để mua thức ăn duy trì đàn cá nhưng không thấm vào đâu, phải bán rẻ mấy bè cá chưa đến thời điểm thu hoạch. Chủ bè Mai Phước Thọ ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn cho biết: Gia đình tôi nuôi 4 bè cá, trước đây doanh nghiệp bán thức ăn “gối đầu”, gần đây doanh nghiệp chỉ cung ứng phân nửa lượng thức ăn cần thiết; gia đình đã cầm “bằng khoán” đất vay ngân hàng 50 triệu đồng, nhưng không đủ phải giảm khẩu phần ăn của cá.
Chủ doanh nghiệp bán thức ăn thủy sản Tám Lành ở phường Tân Long cho biết: “Chúng tôi không thu hồi được vốn trong khi chúng tôi mua thức ăn của công ty phải thanh toán bằng tiền mặt, do đó không còn nguồn vốn để bán gối đầu như trước!”.
Hệ lụy “neo” hoặc bán bè
Theo các chủ bè, ở thời điểm tháng 8/2011, cá điêu hồng giá 34.000 đồng/kg, chủ bè còn có lời chút đỉnh. Hiện nay, giá cá giảm mạnh, chỉ từ 27.000-28.000đồng/kg, trong khi đó thức ăn và các khoản chi phí khác đều tăng, vì vậy chủ bè cầm chắc thua lỗ.
Chủ bè Đoàn Quốc Tuấn ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn cho biết: Cứ 1 kg cá phải đầu tư 2kg thức ăn. Hiện tại, 1kg cá điêu hồng giá 28.000 đồng, trong khi đó phải tiêu tốn trên 30.000 đồng chi phí. Gia đình anh thu hoạch 3 bè cá lỗ gần 100 triệu đồng. Thời gian này, các đại lý bán thức ăn bằng tiền mặt, nhiều hộ không có vốn còn lỗ nặng.
Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều bè đã “neo”. Một số chủ bè không còn khả năng cầm cự đã bán bè để chuyển đổi sang làm nghề khác. Chủ bè Đỗ Thanh Liêm, ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn trước đây nuôi 3 bè cá, không chạy được nguồn vốn mua thức ăn cho cá, đành phải neo… bè.
Còn chủ bè Nguyễn Văn Kiếm, ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn trước đây nuôi 7 bè cá, nhưng giờ đây gia đình chú Kiếm đã bán đi 5 bè và mở quán bán cà phê để thay thế cho nghề nuôi cá bè. Với chủ bè Huỳnh Văn Sơn, ngụ ấp Thới Thạnh, là người đã gắn bó với nghề nuôi cá bè 7 năm nay, từng là Phó Chủ nhiệm Hội Nghề cá Thới Sơn, giờ đây đành phải chia tay với nghề nuôi cá bè để quay lại nghề làm vườn. Bà Nguyễn Thanh Trà, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Long cho biết, phường nuôi 383 bè cá, nhưng số lượng bè bỏ trống đã lên đến 20%.
Hiện nay, nghề nuôi cá bè đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm cần thiết là phải có sự liên kết của “bốn nhà” (Nhà nước, nhà kinh doanh, nhà khoa học và nhà sản xuất) để có những biện pháp cụ thể giúp nghề nuôi cá bè phát triển bền vững.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.