Nghi án chiến đấu cơ tàng hình J-20

       Những bức ảnh đầu tiên của nguyên mẫu máy bay chiến đấu tàng hình Mãnh Long J-20 của Trung Quốc xuất hiện lần đầu vào ngày lễ Giáng sinh năm 2010 đã dấy lên nhiều mối nghi ngờ

Các bức ảnh trên mạng chụp rất mờ, màu xám xịt nhưng có sức hấp dẫn cực kỳ. Trong khi cư dân mạng Trung Quốc phấn khích, trầm trồ, hiếu kỳ lục lạo thông tin khắp nơi về chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Trung Quốc thì các nhà phân tích phương Tây soi rất kỹ những chi tiết giống nhau giữa chiếc J-20 nguyên mẫu và các loại máy bay tàng hình tương đương của nước ngoài như MiG-1.44 Flatpak T.50 của Nga và F-35 của Mỹ, những dòng sản phẩm tốt nhất thế giới.

Ăn cắp công nghệ F-117?

Tuần qua, Trung Quốc lại đưa tin Mãnh Long 2, mẫu thứ nhì của chiếc J-20, với số hiệu 2002 sơn ở đầu máy bay đã bay thử nghiệm vòng vòng trên bầu trời Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Theo tạp chí Mỹ Wired, so với Mãnh Long 2001, chiếc thứ 2 có vài thay đổi. Đáng chú ý là đầu chiếc J-20 này to hơn, có lẽ do đặt thiết bị radar mới, cho thấy Trung Quốc rất quyết tâm sớm đưachiến đấu cơ này vào hoạt động. Theo Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tướng không quân Trung Quốc Hà Vĩ Vinh tuyên bố J-20 sẽ sẵn sàng chiến đấu vào năm 2017 hoặc 2019.


Mẫu thứ J-20 đã bay thử ở Thành Đô. Ảnh: FYJS

Công nghệ hàng không vũ trụ của Trung Quốc đi sau Mỹ ít nhất 25 năm nhưng trong 10 năm qua Trung Quốc cho thấy họ tiến bộ rất nhanh. Nhờ đâu? Nhìn thiết kế nguyên mẫu J-20, một số quan sát viên Mỹ tự hỏi đâu là phần chuyển giao công nghệ tàng hình của Nga (Bắc Kinh và Moscow vốn có mối quan hệ gắn bó về hàng không vũ trụ) và đâu là “phần đóng góp ngoài ý muốn” của Mỹ hay nói cách khác, nhờ đóng góp rất lớn của tình báo công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

Giả thuyết Nga chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc đã được Howard McKeon, chủ nhiệm Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, nêu lên: “Theo hiểu biết của tôi, chiếc J-20 được chế tạo theo mẫu một chiến đấu cơ Nga mà họ có khả năng sao chép”. Chiếc máy bay Nga mà ông McKeon đề cập là chiến đấu cơ tàng hình MiG 1.14, một dự án mà Nga đã ngưng triển khai.

Thế nhưng, ngày 26-8-2011, hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời bà Yelena Fyodorova, người phát ngôn của hãng máy bay MiG, tuyên bố: “Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp bất cứ thiết bị nào cho Trung Quốc”.

Nhiều chuyên gia Mỹ nghiêng về giả thuyết thứ hai sau hàng loạt sự cố máy bay tàng hình Mỹ rớt trên đất thù nghịch và những vụ án gián điệp đình đám, cho thấy Trung Quốc đã ăn cắp được nhiều bí mật công nghệ quân sự Mỹ, trong đó có công nghệ tàng hình ứng dụng vào chiến đấu cơ hiện đại.

Còn nhớ trong chiến tranh Kosovo năm 1999, một chiếc máy bay tàng hình Mỹ kiểu F-117 bị tên lửa SA-3 của quân đội Serbia bắn rớt. Phi công được cứu nhưng xác máy bay thì không thể. Một số mảnh máy bay mà nông dân lượm được đem bánnhư vật kỷ vật chiến tranh. Điệp viên Trung Quốc đã mua lại đem về nghiên cứu và bắt chước, theotiết lộ của một sĩ quan tham mưu cao cấp Croatia.

Thế nhưng phi công chuyên lái thử máy bay Trung Quốc Hứa Vĩnh Linh khẳng định trên tờ Hoàn cầu Thời báo rằng J-20 là một “tuyệt phẩm” đầy sáng tạo 100% của Trung Quốc, công nghệ tàng hình của F-117 đã lỗi thời không thể ứng dụng vào máy bay chiến đấu thế hệ 5 như chiếc J-20. James Hardy, chủ bút tạp chí Janes, đồng ý với nhận xét của ông Linh.

Tình báo mạng

Dự án FB-22, máy bay chiến đấu thế hệ 5 của hãng Lockheed Martin, đã từng bị tin tặc tấn công và trung tướng không quân về hưu Thomas G.McInerney đã chỉ đích danh tin tặc Trung Quốc vốn nổi tiếng toàn cầu. Theo ông tướng này, chiếc J-20 được thiết kế dựa trên những thông tin ăn cắp được qua mạng. Nó quá giống dự án FB-22 mà Lockheed đề xuất năm 2002.


Chiến đấu cơ tàng hình Mỹ F-22. Ảnh: Device.Mag

Chỉ 10 năm sau, Trung Quốc đã có thể trình làng nguyên mẫu một chiếc máy bay có tính năng tương tự như FB-22. Nhờ đâu mà Trung Quốc tiến bộ vượt bậc như thế? Theo ông McInerney, bởi Trung Quốc là trùm thế giới về tin tặc mạng, có nhiều khả năng Trung Quốc đã đánh cắp được nhiều thông tin về công nghệ tàng hình của Mỹ để áp dụng vào việc chế tạo J-20.

Tháng 4-2009, Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo tin tặc đã đột nhập vào dàn máy tính của bộ và ăn cắp thông tin mật của dự án FB-22 trị giá 300 triệu USD. Lúc đó bộ không nêu tên nước nào nhưng tin tặc Trung Quốc bị nghi ngờ nhiều nhất.

Ngoài tình báo mạng, Trung Quốc tìm cách mua thông tin. Không ít người Mỹ vì tiền đã bán bí mật công nghệ cao cho nước này. Cuối tháng 1-2011, kỹ sư Mỹ gốc Ấn Độ Noshir Gowadia, 66 tuổi, từng tham gia thiết kế máy bay ném bom tàng hình B-2 từ năm 1968 đến 1988, đã bị tòa án Hawaii kết án 32 năm tù về tội bán bí mật công nghệ tàng hình cho Trung Quốc.
Theo cáo trạng, với thông tin mật này, Trung Quốc có thể chế tạo tên lửahành trình tàng hình, mọi thiết bị hồng ngoại tuyến không thể phát hiện. Bị cáo đã được bồi dưỡng tổng cộng 110.000 USD. Trước tòa, bị cáo nói chỉ tham gia phần thiết kế động cơ B-2 không dính líu tới công nghệ tàng hình và chỉ bán những công nghệ đã giải mật.